Sáng 21/4, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và đoạn nối đến cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam chính thức được khởi công theo hình thức BOT (hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài hơn 43 km, điểm đầu tại Quốc lộ 1 kết nối đường vào Cửa khẩu Hữu Nghị, thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Điểm cuối kết nối cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng, thuộc xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
Tại Giai đoạn 1, cao tốc có quy mô 4 làn xe và sẽ được nâng lên quy mô 6 làn xe sau giai đoạn hoàn chỉnh.
Dự án cũng đầu tư hai đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam với tổng chiều dài 17 km, quy mô 2 làn xe ở giai đoạn đầu, sau đó nâng lên 4 làn xe khi hoàn chỉnh.
Tổng mức đầu tư dự án là 11.024 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia là 5.495 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động 5.529 tỷ đồng. Vốn nhà nước được sử dụng xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc dự án và chi trả giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.
UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chịu trách nhiệm triển khai dự án. Liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án bao gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần Xây dựng Đèo Cả - Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình 568 - Công ty Cổ phần Lizen (mã cổ phiếu LCG).
Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng được quy hoạch nối thông với cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng (Lạng Sơn) để hình thành tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị. Tuyến đường phục vụ lưu thông hàng hóa qua biên giới Việt - Trung và phát triển kinh tế xã hội ở các tỉnh Đông Bắc, góp phần đồng bộ mạng lưới cao tốc, tăng thông thương quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Phát biểu tại Lễ Khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói đây là dự án cuối cùng của tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông được triển khai. Dự án sẽ kết nối hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng với Hà Nội, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng Dự án 6 ý nghĩa quan trọng:
Thứ nhất, góp phần thực hiện mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc XIII đã đề ra về phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2030.
Thứ hai, đáp ứng mong mỏi của nhân dân Lạng Sơn và Cao Bằng, góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược.
Thứ ba, kết nối giao thông, kết nối kinh tế giữa ASEAN - Trung Quốc, Việt Nam - Trung Quốc, kết nối 2 vùng kinh tế động lực của đất nước là Đồng bằng sông Hồng và vùng núi phía Bắc, kết nối 4 địa phương (Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng - Quảng Ninh).
Thứ tư, mở ra không gian phát triển mới, đặc biệt là với Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng (qua các cụm cảng biển); đồng thời góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.
Thứ năm, góp phần thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát kiểm tra, phát huy tính tự lực, tự cường của các địa phương.
Thứ sáu, thực hiện chủ trương hợp tác công tư giữa Nhà nước và nhà đầu tư theo hình thức PPP với sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành có liên quan, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn và các địa phương liên quan trong chuẩn bị thực hiện dự án này, cũng như triển khai dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh khởi công đầu năm nay; đặc biệt là UBND tỉnh Lạng Sơn đã mạnh dạn nhận trách nhiệm Chính phủ giao, nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã nhường nơi ở, nơi canh tác, nơi sinh kế qua nhiều đời cho dự án.
Để thực hiện mục tiêu năm 2025 thông tuyến cao tốc Bắc Nam, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành đồng hành với Lạng Sơn, Cao Bằng, tháo gỡ vướng mắc của dự án theo thẩm quyền, không đùn đẩy né tránh làm kéo dài thời gian thi công. Địa phương cũng cần phát huy tính tự lực để cao tốc được thực hiện đúng tiến độ. Nhà đầu tư phải thi công an toàn, đảm bảo chất lượng.