Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2024 với doanh thu đạt 1.003 tỷ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, nhờ tiết kiệm được các khoản giảm trừ doanh thu và giá vốn, Cao su Đà Nẵng đã thu về 161,8 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 40% so với quý 1/2023.
Kết thúc quý 1/2024, công ty ghi nhận mức lãi ròng đạt 49,2 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.
Năm nay, Cao su Đà Nẵng đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.151 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 7%, còn 228 tỷ đồng. Như vậy, sau quý 1/2024, công ty hoàn thành được 19,4% mục tiêu doanh thu và 21,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Chia sẻ về chiến lược kinh doanh năm nay, đại diện Cao su Đà Nẵng cho biết, sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Cụ thể, công ty sẽ phấn đấu nâng công suất sản xuất lên 1 triệu lốp Radial/năm, 4 triệu lốp PCR/năm và 1 triệu lốp TBR/năm.
Trước đó, Cao su Đà Nẵng đã chính thức đưa vào vận hành Giai đoạn 3 của Nhà máy lốp xe Radial với công suất thiết kế 400.000 lốp/năm từ tháng 12/2023 và dự kiến sẽ hoạt động tối đa công suất từ quý 2/2024, cho sản lượng đạt 1 triệu lốp/năm, tăng thêm tới 67% so với trước đây.
Mảng lốp Radial hiện đang đóng góp tới 70% lợi nhuận gộp của Cao su Đà Nẵng và được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn dắt lợi nhuận của công ty trong giai đoạn 2024 - 2026.
Đáng chú ý, theo dữ liệu của hãng chứng khoán Vietcombank (VCBS), chi phí vốn cho giai đoạn 3 của Nhà máy lốp Radial chỉ ở mức 500 tỷ đồng, tiết kiệm khoảng 1.600 tỷ đồng so với 2 giai đoạn trước. Như vậy, nếu toàn bộ Nhà máy hoạt động tối đa công suất, biên lợi nhuận gộp mảng lốp Radial của Cao su Đà Nẵng có thể tăng từ 2 - 3% so với mức trung bình 16%.
Hiện nay, thị trường trong nước đang có xu hướng chuyển dịch từ lốp Bias sang lốp Radial, đồng thời nhu cầu lốp Radial tại các thị trường xuất khẩu cũng duy trì ở mức tốt. Một số tổ chức tài chính dự báo, Cao su Đà Nẵng sẽ không gặp quá nhiều trở ngại khi tiêu thụ phần công suất lốp Radial tăng thêm.
Đối với sản phẩm lốp PCR, sản lượng tiêu thụ đang ghi nhận đà tăng trưởng đáng kể trong những quý gần đây. Cao su Đà Nẵng dự kiến sẽ đầu tư thêm máy móc để sản xuất lốp PCR trong quý 1/2024, với công suất lắp đặt khoảng 1 triệu lốp/năm. Suất đầu tư dự kiến sẽ không đáng kể do công ty có thể tận dụng nhà máy có sẵn từ dây chuyền Radial.
Lốp PCR là sản phẩm thuộc phân khúc xe tải nhẹ và xe con, quy mô thị trường gấp khoảng 6 lần so với thị trường xe tải tại Mỹ và gấp 5 lần so với tại Việt Nam. Hiện nay, lốp PCR đang trong giai đoạn thử nghiệm thị trường, tuy nhiên bước đầu khảo sát nhu cầu tại Ấn Độ và Brazil ở mức khả quan và sắp tới công ty sẽ triển khai bán tại thị trường nội địa, ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng cho biết.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Cao su Đà Nẵng đạt 3.395 tỷ đồng, tương đương với thời điểm đầu năm. Trong đó, chỉ tiêu có biến động mạnh nhất là tiền và tương đương tương tiền với mức giảm 35,4%, còn 236,8 tỷ đồng. Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 17%, lên mức 534,5 tỷ đồng.