Tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, mục tiêu lợi nhuận năm nay vượt 1 tỷ USD
Sáng nay (20/4), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Ngân hàng Techcombank, mã cổ phiếu TCB - sàn HoSE) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 với nhiều nội dung quan trọng.
Phát biểu tại Đại hội, ông Jens Lottner - Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank cho biết năm 2023 vừa qua là giai đoạn đầy thách thức với ngành ngân hàng nói chung nhưng Ngân hàng Techcombank vẫn duy trì hiệu quả kinh doanh tích cực với những kết quả nổi bật như tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CAS), thu nhập phí thuần tăng trưởng cao, các chỉ số sinh lời như ROA và ROE duy trì lành mạnh, NIM cũng dẫn đầu toàn ngành.
Ngân hàng Techcombank là ngân hàng dẫn đầu về cho vay bất động sản, trái phiếu và những mảng này đều hồi phục trong năm qua. Riêng lĩnh vực bảo hiểm còn chịu áp lực nhưng không có nhiều lo ngại. Thực tế, nửa sau năm 2023, doanh số bán bảo hiểm của Techcombank cũng đã tăng đáng kể so với đầu năm, ông Jens Lottner nói.
Đồng thời, lãnh đạo Ngân hàng Techcombank nhấn mạnh, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng cao hơn nhiều so với các ngân hàng đối thủ; trong khi, chi phí vốn tăng nhẹ theo thị trường chung nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với đa số ngân hàng Việt Nam.
Dựa trên triển vọng kinh tế năm nay, Hội đồng Quản trị Ngân hàng Techcombank đã trình và được cổ đông chấp thuận kế hoạch kinh doanh 2024 với mục tiêu lợi nhuận là 27.100 tỷ đồng (tương đương 1,09 tỷ USD), tăng 18,4% so với năm 2023; tăng trưởng tín dụng ở mức 16,2%; và tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới mức 1,5%.
Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank tự tin khẳng định “hoàn toàn có thể đạt được những mục tiêu trên”; đồng thời, tiết lộ hiện nay tỷ lệ CASA của Ngân hàng đã là gần 40%, gần như dẫn đầu toàn ngành. CASA dồi dào cho phép Ngân hàng huy động vốn với mức phí thấp, tạo điều kiện cho vay thuận lợi.
Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng Techcombank cũng chia sẻ thêm, kế hoạch kinh doanh năm 2024 được xây dựng theo hướng “thận trọng” và Ngân hàng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ dữ liệu để phát triển mạnh các phân khúc trước đây chưa khai thác hết tiềm năng như tệp khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), khách hàng đại trà, cho vay tín chấp, cho vay tiêu dùng… Đồng thời, với sự hỗ trợ của công nghệ, Ngân hàng sẽ quản trị hiệu quả hơn về chi phí và rủi ro.
Đồng thời, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank cho biết Ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt sau hơn 10 năm giữ lại lợi nhuận để tăng cường nguồn lực kinh doanh. Việc phân phối lợi nhuận cũng là một trong những nội dung được cổ đông quan tâm nhất tại lần Đại hội này.
Theo đó, HĐQT Ngân hàng Techcombank đã trình cổ đông xem xét và thông qua phương án chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ lên đến 15%. Dự kiến ngân hàng này sẽ cần chi khoảng gần 5.300 tỷ đồng để chia cổ tức trong thời gian tới đây.
Ngoài kế hoạch chia cổ tức bằng tiền, cổ đông Ngân hàng Techcombank cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ “khủng”, từ mức hơn 35.200 tỷ đồng hiện nay lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Tỷ lệ phát hành dự kiến là 100%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu TCB sẽ được nhận thêm 100 cổ phiếu mới. Phương án phát hành dự kiến theo phương thức thực hiện quyền.
Người Việt giàu nhanh, đẩy mạnh mảng quản lý gia sản
Trả lời câu hỏi của các cổ đông về chiến lược kinh doanh thời gian tới, ban lãnh đạo Ngân hàng Techcombank khẳng định sẽ kiên trì theo đuổi những chiến lược đã đề ra với 4 trụ cột chính là nâng tỷ lệ CASA lên mức 55%, tổng giá trị vốn hoá đạt 20 tỷ USD, thu nhập phí chiếm 30% tổng thu nhập, và duy trì tỷ lệ ROE ở mức 20%.
Về chất lượng tài sản, lãnh đạo Ngân hàng Techcombank cho biết, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Techcombank hiện chỉ ở mức 1,2% và tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu luôn trên 100%. Ngân hàng Techcombank cho vay bất động sản khá nhiều nhưng lựa chọn kỹ về khách hàng, phân khúc, và quy mô khoản vay, giúp quản trị hiệu quả các chỉ số an toàn.
Ông Hồ Hùng Anh cũng chia sẻ thêm, trong giai đoạn 2022 - 2023, Ngân hàng Techcombank đã gặp nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực có thế mạnh như bất động sản, đầu tư tài chính nhưng năng lực quản trị rủi ro của Ngân hàng đã được chứng minh. Điển hình, trong thị trường trái phiếu, Ngân hàng Techcombank đã không để bất kỳ trái phiếu nào bị quá hạn lãi, gốc, đảm bảo an toàn cho khách hàng.
Ban lãnh đạo Ngân hàng Techcombank cũng cho biết sẽ đẩy mạnh mảng quản lý gia sản cùng với hoạt động của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (Chứng khoán TCBS).
Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Minh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Chứng khoán TCBS cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng ấn tượng, trong khi đó, dân số trẻ, sử dụng nhiều công nghệ và ngày càng giàu lên. Đến năm 2030, mức sống của người dân Việt Nam sẽ còn cao hơn Malaysia, Indonesia,… Khi quốc gia giàu có hơn thì người dân sẽ sử dụng ngân hàng nhiều hơn và họ cần đến dịch vụ quản lý gia sản tốt hơn.
Người Việt Nam càng ngày càng giàu hơn thì xu hướng tất yếu là họ đa dạng hoá gia sản, đầu tư, tích luỹ, không chỉ vàng, bất động sản, tiết kiệm mà còn quỹ đầu tư, trái phiếu, cổ phiếu và nhiều tài sản khác. Chúng tôi bắt đầu tập trung nhóm trung lưu, giàu có, chỉ đại diện 20% dân số nhưng đại diện cho 80% giàu có tại Việt Nam. Sau đó chúng tôi sẽ mở rộng ra phân khúc rộng hơn. Chúng tôi đang sẵn sàng đón đầu cơ hội trong sự tăng trưởng của Việt Nam nhiều năm tới, ông Nguyễn Xuân Minh nói.
Chủ tịch Chứng khoán TCBS đặt mục tiêu sẽ có 5 triệu khách hàng vào năm 2025, với lợi nhuận 5.000 tỷ đồng, và giá trị vốn hoá đạt 5 tỷ USD.