Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng được thực hiện theo Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho UBND tỉnh Nam Định làm cơ quan chủ quản.
Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối 2 tỉnh Nam Định - Ninh Bình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình Thăng Long, nhà thầu thi công là Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương; thời gian thực hiện hợp đồng là 16 tháng, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2024.
Dự án có tổng chiều dài tuyến 2 km đi qua 2 xã Khánh Cường, Khánh Trung thuộc địa phận huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình và 3 xã Nghĩa Châu, Nghĩa Trung, Nghĩa Thái thuộc địa phận huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định.
Dự án có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, gồm các hạng mục: cầu vượt sông dài khoảng 1,36 km với mặt cắt ngang cầu rộng 19,5 m; đường dẫn dài khoảng 0,64 km, rộng 19 m và các nhánh (đoạn từ Km 17+300 đến Km 17+495,5) trên tuyến đường cao tốc và 2 nhánh nút giao thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình; đoạn từ Km18+856 đến Km 19+300/lý trình cao tốc và 2 nhánh nút giao, thuộc địa phận tỉnh Nam Định.
Hạng mục cầu vượt sông Đáy tại Km18+116/lý trình đường cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng. Cầu gồm 29 nhịp.
Trong đó cầu chính gồm 3 nhịp liên tục dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực đúc hẫng cân bằng, sơ đồ (80+130+80)m; cầu dẫn vượt đê hữu sông Đáy phía Ninh Bình gồm 3 nhịp liên tục dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực sơ đồ (46+70+46)m, các nhịp dẫn còn lại dùng kết cấu dầm Super T bê tông cốt thép dự ứng lực.
Phía tỉnh Ninh Bình, cầu kết nối với đường Bái Đính - Kim Sơn bằng 2 nhánh với quy mô nền rộng 12m; phía tỉnh Nam Định tuyến giao vượt khác mức với Quốc lộ 37B và giao khác mức liên thông với tuyến đường tỉnh 490, kết nối bằng 2 đường nhánh, quy mô nền đường rộng 8 m.
Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy khi hoàn thành sẽ góp phần kết nối các tuyến giao thông huyết mạch của Ninh Bình và Nam Định, từng bước hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc từ Ninh Bình đến Hải Phòng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Từ đó, giảm tải cho hệ thống giao thông hiện có, rút ngắn thời gian cũng như chi phí di chuyển từ khu vực phía Nam 3 tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đi Hải Phòng và ngược lại. Đồng thời là động lực thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực, tạo việc làm cho người lao động, tạo điều kiện phát triển kinh tế khu vực.