Thói quen khó bỏ
Luật Thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon có hiệu lực từ ngày 1.1.2012. Những doanh nghiệp sản xuất túi nylon trước đây không bị áp thuế bảo vệ môi trường thì kể từ ngày 1.1 phải đóng mức 30.000-50.000 đồng/kg. Mức thuế này đã làm giá thành túi nylon trên thị trường có thời điểm tăng thêm 40.000-45.000 đồng/kg.
Túi nylon vẫn chiếm phần lớn trong rác thải của người dân thủ đô.Ảnh:laodong
Tuy nhiên, dạo qua bất cứ chợ dân sinh nào cũng có thể thấy người dân xách trên tay hay treo lủng củng ở xe những chiếc túi đựng đồ đều bằng chất liệu nylon. Có thể thấy hầu hết người bán, người mua vẫn sử dụng túi nylon để đựng hàng hoá.
Sự tiện dụng, rẻ tiền của túi nylon khiến người dân khó bỏ thói quen dùng loại túi này khi đi chợ. Dù đã áp thuế 100%, nhưng so với một vài loại túi thân thiện với môi trường, túi nylon vẫn còn rẻ và tiện dụng hơn rất nhiều.
Chị Gấm - bán thịt tại chợ Trung Tự (quận Đống Đa) - cho biết: “Giá túi nylon tăng gấp đôi rồi, giờ khách hàng mua nhiều loại sản phẩm, nếu có thể tôi dồn vào một túi chứ không như trước, khách mua một lạng thịt cũng lồng vào 2-3 túi. Tiết kiệm một tí vừa đỡ tiền, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường”.
Ở điều kiện bình thường, phải cần khoảng 400 năm thì túi nylon mới phân hủy hoàn toàn. Với khối lượng lớn thải ra hằng ngày như hiện nay (khoảng 80 tấn/ngày), túi nylon thật sự trở thành hiểm hoạ cho môi trường. Tác hại đó đã được nhiều người dân biết, nhưng theo một người bán túi nylon rong tại chợ Trung Tự, dù giá túi tăng gấp đôi, nhưng lượng bán ra hằng ngày vẫn không giảm, bởi sự tiện lợi của nó.
Chị Hà - khu TT Trung Tự (quận Đống Đa) - cho biết: “Dù ai cũng biết túi nylon có thể gây ô nhiễm môi trường, nhưng tới chợ chọn mua bó rau hay con cá, người bán hàng đều dùng túi nylon đựng. Tôi vào siêu thị Uni Mart (đường Phạm Ngọc Thạch), họ vẫn bày bán túi thân thiện môi trường (giá khoảng 5-10 nghìn đồng/chiếc), nhưng túi nylon có in tên siêu thị vẫn là sản phẩm chính để đựng hàng hoá. Thì cũng phải như vậy, mỗi loại hàng đều được đựng trong túi riêng, chứ thực phẩm làm sao đổ lẫn vào nhau hay đổ lẫn vào các loại đồ gia dụng được. Hiện gia đình tôi vẫn sử dụng túi nylon để đựng hầu hết các loại đồ đạc, từ quần áo, giày dép, thực phẩm cho đến... rác trước khi mang đi đổ. Muốn bỏ túi nylon cũng phải có một loại túi nào đó thay thế, nhưng phải rẻ mới được”.
Cần có chính sách hỗ trợ túi thân thiện
Hiện nay, đã có nhiều loại túi đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường được sản xuất để thay thế túi nylon như: Túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nylon tự phân hủy, túi dệt từ sợi nylon sử dụng nhiều lần.
Túi giấy có quai với thiết kế đẹp, dễ dàng quảng cáo cho cửa hàng đã được nhiều cửa hàng thời trang chọn thay túi nylon. Giấy sau khi sử dụng có thể tái chế 100%. Tuy nhiên, túi giấy xem như không khả thi đối với siêu thị hay chợ, nhưng là một lựa chọn phù hợp cho các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ. Túi vải có mẫu mã đẹp, chắc chắn. Đối với siêu thị, túi vải cũng là một giải pháp phù hợp, tuy nhiên giá thành loại túi này khá cao, thường khách hàng phải trả tiền để mua túi.
Trong khi đó, túi nylon phân hủy sinh học làm từ vật liệu có nguồn gốc thực vật như khoai mì, bột bắp, đay là giải pháp thân thiện với môi trường nhất, đã được ứng dụng ở nhiều nước như Anh, Italia, Pháp. Khi dùng xong, trộn túi với một số rác thực vật khác, ủ lại có thể tự hủy trong vòng 2 - 3 tháng. Tuy nhiên, giá thành loại túi này cao gấp 2 - 5 lần túi nylon thông thường khiến việc sử dụng bị hạn chế. Ngoài ra, tình trạng khan hiếm lương thực tại một số nơi trên thế giới dẫn đến một số ý kiến không đồng tình về việc sử dụng lương thực làm nhiên liệu và bao bì.
Để phát triển sử dụng túi phân hủy sinh học, VN cần có chiến lược phát triển, chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ túi thân thiện môi trường.