Không để tăng giá điện ảnh hưởng nhiều đến người dân

Ngay sau khi Thường trực Chính phủ đồng ý điều chỉnh tăng giá bán điện, Đài Truyền hình Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về vấn đề này. Tạp chí Công Thương trân trọn


Bộ trưởng
Vũ Huy Hoàng
Trong năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nhiều lần trình lên Bộ Công Thương về việc các yếu tố đầu vào tăng, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Công Thương đã không đồng ý cho tăng giá điện do lo ngại nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nếu tính đủ các chi phí đầu vào thì sẽ phải tăng giá điện tới gần 13%.

Tuy nhiên, mức tăng được Chính phủ cho phép chỉ ở mức thấp nhấp là 7,5%. Mức tăng này đã được Liên Bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước cân nhắc, tính toán kỹ khi tác động của nó tới chỉ số giá tiêu dùng CPI chỉ ở mức 0,18% và không ảnh hưởng nhiều tới các hộ dân.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, khi chúng ta thực hiện tăng giá điện theo cơ chế giá thị trường luôn luôn phải tính đến yếu tố xã hội để không ảnh hưởng nhiều đến người dân.

PV: Thưa Bộ trưởng, điện là mặt hàng nhạy cảm bởi nó tác động đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và tới người tiêu dùng. Vậy, với mức tăng giá điện là 7,5% lần này thì Bộ Công Thương đã tính tới sự tác động của giá điện tới đà hồi phục tăng trưởng trở lại của nền kinh tế?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Sau khi tính toán và trên cơ sở đề xuất của ngành Điện, chúng tôi đã lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan trước hết là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cả ba bộ này về cơ bản cũng thống nhất với ý kiến của Bộ Công Thương. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến thống nhất đó, Bộ Công Thương đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

Khi chúng ta thực hiện cơ chế giá thị trường, luôn luôn chúng ta phải tính đến yếu tố xã hội để không ảnh hưởng nhiều đến người dân.

Hiện nay, chúng ta vẫn đang duy trì ở 30 kWh điện ban đầu cho các hộ nghèo. Từ lần điều chỉnh điện tháng 8/2013, Nhà nước đã không thu thêm tiền điện của các hộ này và lần này cũng như thế. Chênh lệch do việc tăng giá điện sẽ tiếp tục được Nhà nước trả cho các hộ nghèo, kể cả các hộ sản xuất. Qua tính toán bước đầu, nếu tăng 7,5%, đối với những hộ sử dụng nhiều điện như xi măng, sắt thép thì chi phí giá thành cũng chỉ tăng tăng từ 0,2 đến 0,8%.

PV: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các mặt hàng nhạy cảm ví dụ như điện, than, xăng dầu phải đi theo hướng thị trường nhưng phải minh bạch. Vậy, làm sao Bộ Công Thương có thể kiểm soát được sự minh bạch trong cơ cấu tính giá điện, làm sao đảm bảo được tính đúng, tính đủ?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Nguyên tắc minh bạch và công khai hóa các yếu tố liên quan đến sản xuất, kinh doanh của ngành Điện trước hết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đặc biệt liên quan đến cơ cấu về giá thành điện và giá bán điện đã được Bộ Công Thương quán triệt ngay từ những năm trước đây. Lần này, ngành Điện cũng đã thực hiện theo yêu cầu đó.

Trước hết là công khai giá thành sản xuất điện năm 2013 đã được kiểm toán và điều này đã được Bộ Công Thương công bố với tất cả sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan, trong đó có Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xem xét, kiểm tra mức độ chính xác giá thành sản xuất và kinh doanh của ngành Điện năm 2013 trên cơ sở kiểm toán. Năm 2014, cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên mới vào thời gian đầu năm, theo quy định, khoảng hết quý I, đầu quý II/2015 mới có đầy đủ các con số để có thể đánh giá và tính toán, xem xét và kiểm tra chi phí ngành Điện năm 2014.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi!