Đây là một trong những nội dung trong dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được lấy ý kiến. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 phương án sửa đổi, bổ sung quyền thành lập và nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh.
Phương án 1, giữ nguyên quy định tại Nghị định 01, đối tượng thành lập hộ kinh doanh là cá nhân và thành viên hộ gia đình.
Bên cạnh đó, phương án này cũng nêu ra 8 trường hợp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, không phải đăng ký hộ kinh doanh bao gồm:
- Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối
- Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong
- Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định
- Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định
- Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ
- Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
- Hoạt động kinh doanh thời vụ
Đáng chú ý, phương án 1 đề xuất đối tượng làm dịch vụ có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống cũng không cần đăng ký hộ kinh doanh.
Phương án 2, đối tượng thành lập hộ kinh doanh chỉ là cá nhân. Như vậy, hộ gia đình không được thành lập hộ kinh doanh.
Trong 2 phương án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất lựa chọn phương án 1. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ưu điểm của phương án 1 là hiện nay còn nhiều quan điểm khác nhau về bản chất pháp lý của hộ kinh doanh.
Theo thông lệ quốc tế, mô hình kinh doanh có bản chất tương tự với mô hình hộ kinh doanh ở nước ta (do một cá nhân làm chủ và chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của cá nhân đó với hoạt động kinh doanh), được xác định là cá nhân kinh doanh.
Thực tiễn tại Việt Nam, qua ghi nhận ý kiến của một số quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, đa số hộ kinh doanh thành lập tại địa bàn là do một cá nhân thành lập và làm chủ. Theo thống kê trong tháng 7/2023, trên phạm vi cả nước có hơn 52.417 hộ kinh doanh đăng ký thành lập mới, trong đó có 52.317 hộ kinh doanh do cá nhân thành lập và làm chủ (chiếm 99,8%) và chỉ có 110 hộ kinh doanh do các thành viên hộ gia đình thành lập (chiếm 0,2%).
Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ, quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh và thành viên hộ kinh doanh: chủ hộ kinh doanh thực hiện các nghĩa vụ về thuế, các nghĩa vụ tài chính và các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Chủ hộ kinh doanh có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Trong trường hợp này, chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh vẫn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh.
Chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh chịu trách nhiệm liên đới đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất đăng ký hộ kinh doanh bằng tài khoản định danh điện tử.