Theo dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), việc cấp căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của nhóm đối tượng này và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước công dân trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.
Việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, không bắt buộc như đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên. Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 14 tuổi sẽ tách riêng với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên.
Trường hợp công dân là trẻ em dưới 6 tuổi đã đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước và thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân theo quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 24 cho trẻ em.
Trường hợp công dân là trẻ em đủ 06 tuổi trở lên, cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa trẻ em đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận ảnh khuôn mặt khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân.
Đáng chú ý, trường hợp công dân là trẻ em dưới 6 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh vẫn được cấp thẻ căn cước công dân. Trường hợp này, cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước và thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân đồng thời khi đăng ký khai sinh.
Trường hợp công dân là trẻ em dưới 6 tuổi sẽ không thu nhận thông tin sinh trắc học khi thực hiện cấp thẻ căn cước công dân.
Trường hợp công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, trình tự, thủ tục cấp cơ bản không thay đổi.
Bên cạnh nhóm đối tượng là trẻ em dưới 14 tuổi, dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) cũng mở rộng thêm đối tượng áp dụng.
Cụ thể, về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật Căn cước công dân năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.
Theo đó, tại Chương I dự thảo Luật về quy định chung đã bổ sung một Điều về người gốc Việt Nam là người không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam để cấp giấy chứng nhận căn cước và số định danh cho đối tượng này.
Việc bổ sung nội dung cấp giấy chứng nhận căn cước và số định danh nhằm quản lý được toàn bộ công dân và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại địa phương; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.