Khu công nghiệp Thăng Long II – “Con át chủ bài” thu hút vốn đầu tư của tỉnh Hưng Yên

Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long II (TLIPII), thành viên của Tập đoàn Sumitomo Corporation, ngày càng khẳng định là nhà đầu tư hạ tầng chuyên nghiệp, trách nhiệm, hiệu quả, đưa Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long II trở thành một điểm sáng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Đẩy mạnh đầu tư, mở rộng hạ tầng

thăng long II
Thăng Long II tiếp tục xây đựng hạ tầng kỹ thuật nhằm không ngừng tiếp nhận các nhà đầu tư mới vào diện tích KCN mở rộng.

KCN Thăng Long II nằm tại huyện Yên Mỹ và thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây có vị trí thuận lợi nằm liền kề nút giao cắt Quốc lộ 39 và Quốc lộ 5, cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 30km và cách cảng Hải Phòng khoảng 70km. Đây là KCN đa ngành, đa lĩnh vực trong đó tập trung thu hút các ngành sản xuất và các sản phẩm điện tử và cơ khí chính xác, các ngành cơ khí điện tử, máy móc giao thông.

Với vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại và có sẵn mặt bằng sạch lớn, KCN Thăng Long II đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước và trở thành địa điểm tiếp nhận nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua. Sau hai lần được phê duyệt mở rộng, KCN Thăng Long II hiện đang có diện tích 525,7 hecta, tổng mức đầu tư lên tới 221,4 triệu USD. Năm 2023, song song với việc tiếp tục duy trì chất lượng hạ tầng kỹ thuật và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ các nhà đầu tư trong khu công nghiệp, TLIPII đã hoàn thành việc san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng hoàn thiện của Phân đoạn 3.1 của Dự án mở rộng Khu công nghiệp Thăng Long II, Giai đoạn 3; bước đầu đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn đầu tư trên diện tích mở rộng này. Trong năm 2024, Thăng Long II sẽ còn tiếp tục xây đựng hạ tầng kỹ thuật nhằm không ngừng tiếp nhận các nhà đầu tư mới vào diện tích KCN mở rộng.

“Lấp đầy khoảng trống” thu hút vốn đầu tư của tỉnh

Được xây dựng và vận hành từ năm 2006, trải qua 18 năm tham gia góp sức kiến tạo kinh tế của địa phương, KCN Thăng Long II là một trong những ví dụ thành công điển hình trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến thời điểm năm 2023, Hưng yên có 533 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6,7 tỷ USD. Trong đó, riêng KCN Thăng Long II đã tiếp nhận trên 100 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3 tỷ USD, chiếm một nửa trong số FDI của toàn tỉnh Hưng Yên.

Cụ thể trong đó, các lĩnh vực mà Thăng Long II thu hút đầu tư chủ yếu là các sản phẩm sản xuất điện tử và cơ khí chính xác; các ngành cơ khí điện tử, máy móc giao thông, sản xuất các sản phẩm từ cao su phục vụ ngành ô tô; công nghiệp nhẹ, khí công nghiệp…Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào trong KCN chủ yếu là các các nhà đầu tư Nhật Bản, trong đó có một số tập đoàn kinh tế lớn như: Kyocera, Hoya, Nippon, Daikin, Toto, Panasonic…

Những con số đột phá về FDI đã cho thấy đã cho thấy sự đóng góp quan trọng của KCN Thăng Long II trong việc phát triển kinh tế địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp, tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu của Việt Nam. Ngoài ra, bản thân việc KCN Thăng Long II đi vào hoạt động hiệu quả, ổn định đã tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động địa phương cũng như các tỉnh lân cận, giúp nâng cao thu nhập cho người lao động, đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.

Bên cạnh đó, với chiến lược phát triển công nghiệp làm nền tảng đột phá phát triển kinh tế địa phương, việc các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp cũng tạo ra nguồn thu lớn cho tỉnh, tạo ra sự chuyển mình rõ rệt về vốn đầu tư và đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên. Đặc biệt, với sự hiện hữu của một KCN có quy mô tầm cỡ như TPIPII được xem là có vai trò quyết định đến sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, góp phần thúc đẩy mở rộng quan hệ với các quốc gia trong khu vực, đưa kinh tế tỉnh tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.

thăng long II
“hình hài” của TLIPII ngày nay có sự đóng góp, ủng hộ rất lớn của các cấp lãnh đạo tỉnh Hưng Yên trong việc tạo sự thuận lợi, thông thoáng, đúng quy định pháp luật về các chính sách ưu đãi đầu tư

Luôn đồng hành với sự phát triển của tỉnh

Có thể nói, để tạo nên “hình hài” của TLIPII ngày nay là có sự đóng góp, ủng hộ rất lớn của các cấp lãnh đạo tỉnh Hưng Yên trong việc tạo sự thuận lợi, thông thoáng, đúng quy định pháp luật về các chính sách ưu đãi đầu tư. Trong đó, đặc biệt kể đến là những ưu đãi riêng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đầu tư vào KCN Thăng Long II như hỗ trợ làm thủ tục đầu tư, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, nâng cao hiệu quả trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Thời gian tới, bên cạnh mục tiêu mở rộng, phát triển KCN, thu hút đầu tư nước ngoài, đóng góp cho sự phát triển của địa phương, tầm nhìn của Thăng Long II hướng tới trong tương lai là “năng lượng xanh”. Đây là một trong những xu hướng phát triển của không chỉ Thăng Long II mà còn của rất nhiều các KCN trọng điểm nước ta trong thời gian tới.

Xem thêm: "Dự án FDI mới tăng mạnh, Bắc Ninh kỳ vọng đột phá thu hút đầu tư" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trong tiến trình hướng tới tầm nhìn, TLIPII hiện đã và đang bắt tay vào thực hiện các dự án sản xuất năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, tiêu biểu là lắp đặt điện mặt trời áp mái, một trong những dự án năng lượng rất được Chính phủ quan tâm, khuyến khích.

Ở một tương lai xa, Thăng Long II đặt niềm tin và mơ ước cung cấp năng lượng xanh đủ cho 100% nhu cầu năng lượng của KCN. Đây chính là mục tiêu lớn lao mà TLIPII đang hướng đến và sẽ nỗ lực hết sức để hiện thực hóa tầm nhìn ấy.

Nắm bắt và thích ứng nhanh với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, đồng thời thiết lập một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp hỗ trợ, các KCN đa ngành như TPIPII hứa hẹn sẽ mang đến một hệ sinh thái toàn diện cho các hoạt động sản xuất công nghiệp tại địa phương.

Quan trọng hơn hết, với sự phát triển lớn mạnh của mình, TPIPII luôn sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh trong việc tạo dựng một nền tảng vững chắc về công nghiệp hỗ trợ, sẵn sàng đón đầu các cơ hội mới trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên của công nghiệp 4.0.

Minh Huế