Năm 2023, tổng kinh phí khuyến công được giao Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Phát triển công nghiệp Bình Dương là 4,8 tỷ. Bao gồm,chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp…
Nhìn chung, kết quả hoạt động khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương diễn ra đúng nội dung và đa dạng ở tất cả các chương trình của hoạt động khuyến công, sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả mang lại hết sức thiết thực trong giai đoạn hiện nay, trong đó tập trung vào các chương trình tuyên truyền chính sách đến các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) và tập trung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào các khâu sản xuất... góp phần cải thiện chất lượng và nâng cao nâng suất hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Theo ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Phát triển công nghiệp Bình Dương, hoạt động khuyến công ngày càng từng bước khẳng định được vai trò trong việc thúc đẩy CNNT phát triển, góp phần thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa địa phương. Có được kết quả đó có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ tích cực về mặt chuyên môn lẫn nghiệp vụ của Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương.
Cũng theo ông Dũng, mỗi viên chức của Trung tâm ý thức được trách nhiệm và tầm quan trọng của công tác khuyến công từ đó không ngừng tích cực nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng với yêu cầu công tác, cố gắng thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm mang tính chủ động cao, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đề ra.
Trong công tác phối kết hợp giữa các phòng chuyên môn của Sở Công Thương Binh Dương và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Phát triển công nghiệp Bình Dương đã ngày càng đi vào nề nếp và có chiều sâu, nên có nhiều thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện công tác khuyến công trên địa bàn từ khâu xây dựng đến xét duyệt kinh phí thực hiện.
Trong công tác thông tin tuyên truyền chính sách khuyến công đã triển khai rộng rãi đến các cơ quan quản lý khuyến công cấp huyện, thị, thành phố. Hàng năm, luôn có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, thông báo và hướng dẫn chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến các cơ sở CNNT trên địa bàn.
Đã xây dựng và hình thành mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện và một số xã trọng điểm để từng bước củng cố, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, thực thi chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Phát triển công nghiệp Bình Dương, đến nay, Bình Dương vẫn chưa thực hiện được đề án khuyến công điểm thực hiện trong nhiều năm liên tục và lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nội dung hoạt động khuyến công Bình Dương chưa đa dạng ở một số tiểu mục của chương trình.
Điều đó xuất phát từ nhận thức trong một bộ phận cán bộ các cấp, các ngành về công tác khuyến công chưa thực sự đầy đủ và toàn diện. Chính vì vậy sự quan tâm chỉ đạo cũng như việc đầu tư cho chương trình khuyến công còn nhiều hạn chế. Mặt khác, kinh phí khuyến công được cấp hàng năm là tương đối thấp so với nhu cầu thụ hưởng ngày càng cao của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), từ đó chưa phát huy hết hiệu quả của chính sách, vì vậy không thể huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn.
Bên cạnh đó, đa phần các cơ sở (CNNT) chủ yếu là hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế nên rất khó đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Trình độ quản lý của chủ các cơ sở công nghiệp nông thôn còn hạn chế, thiếu chủ động tiếp cận hoạt động khuyến công; nhận thức của các cơ sở, doanh nghiệp về hoạt động khuyến công còn chưa đầy đủ dẫn tới sự hưởng ứng và cộng tác của các đơn vị còn hạn chế.
Nhiều nội dung khuyến công chưa được các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hưởng ứng như: Tham gia Hội chợ triển lãm, xây dựng thương hiệu, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm... vì hầu hết các cơ sở sản xuất CNNT còn chưa có thông tin chính xác về hoạt động khuyến công, quy định về hồ sơ, thủ tục phát sinh còn phức tạp và tiêu tốn kinh phí của đơn vị.
Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Phát triển công nghiệp Bình Dương cho biết, đội ngũ cộng tác viên hoạt động trong lĩnh vực khuyến công địa phương chưa thật sự mạnh và chuyên nghiệp, cộng tác viên khuyến công đa số là cán bộ tại các phòng kinh tế huyện, thành phố, hoặc cán bộ tại xã phường phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên chất lượng cho hoạt động khuyến công không cao; công tác kiểm tra giám sát còn yếu ảnh hưởng đến kết quả của hoạt động khuyến công. Cùng với nguồn kinh phí được cấp hằng năm cho hoạt động khuyến công còn hạn chế, mức hỗ trợ thấp, nhất là với các dự án có mức đầu tư cao nên việc thu hút đối tượng thụ hưởng còn nhiều hạn chế.
Đề án khuyến công quốc gia điểm được giải thích tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 36/2013/TT-BCT, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 17/2018/TT-BCT như sau:
Đề án khuyến công quốc gia điểm (còn gọi là đề án điểm) là đề án khuyến công quốc gia (sau đây gọi là đề án) được lập theo ngành nghề sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, vùng, địa phương; có từ 02 nội dung hoạt động khuyến công và 02 đối tượng thụ hưởng trở lên; thời gian thực hiện từ 02 đến 03 năm; các nội dung hoạt động khuyến công trong đề án có sự liên kết nhằm khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.
Như vậy, theo quy định trên thì đề án khuyến công quốc gia điểm là đề án khuyến công quốc gia được lập theo ngành nghề sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, vùng, địa phương; có từ 02 nội dung hoạt động khuyến công và 02 đối tượng thụ hưởng trở lên; thời gian thực hiện từ 02 đến 03 năm; các nội dung hoạt động khuyến công trong đề án có sự liên kết nhằm khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.