Khuyến công Hậu Giang: Đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất bánh, kẹo

5 năm trở lại đây, nhờ có nguồn vốn hỗ trợ từ nguồn khuyến công quốc gia, các cơ sở làm bánh truyền thống trong tỉnh Hậu Giang được đầu tư, cải tiến quy trình máy móc để sản xuất, cung cấp cho người t

Ông Lưu Vĩnh Thuận, chủ cơ sở sản xuất kẹo đậu phộng Song Phụng, ở phường I, thành phố Vị Thanh, cho biết: Nhiều năm trước, do thực hiện các khâu thủ công nên việc sản xuất kẹo đậu phộng ở cơ sở tốn nhiều thời gian, không đảm bảo kích thước cũng như độ thẩm mỹ trong đóng gói sản phẩm. Khoảng 5 năm nay, cơ sở đã đầu tư gần 500 triệu đồng mua máy rang đậu, máy chà vỏ, máy cắt kẹo, nhờ đó, sản phẩm kẹo đậu phộng ra lò có kích thước nhỏ, đồng đều hơn. Cũng từ đó, quy trình sản xuất được rút ngắn thời gian, năng suất tăng gấp 3 lần so với trước đây.

Đặc biệt, trong năm 2015, cơ sở sản xuất kẹo đậu phộng Song Phụng được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hậu Giang hỗ trợ 100 triệu đồng để mua máy cắt và đóng gói kẹo. Cùng với nguồn vốn sẵn có, ông Thuận đầu tư máy cắt kẹo 3 dao, đây là loại máy mới, hiện đại nhất lúc bấy giờ. Máy cắt kẹo 3 dao có quá trình cắt nhanh gấp đôi so với máy cũ, cho ra sản phẩm đẹp mắt hơn.

Sản xuất kẹo đậu phộng tại cơ sở Song Phụng

Mấy năm gần đây, bánh kẹo truyền thống sản xuất ở Hậu Giang đã được người tiêu dùng quan tâm, thương hiệu bánh, kẹo của cơ sở sản xuất kẹo đậu phộng Song Phụng tiêu thụ nhiều hơn. Theo đó, người làm nghề thêm tinh thần phấn đấu, nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ uy tín với khách hàng. Vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, cũng được các chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo đặt lên hàng đầu, các khâu sơ chế, sản xuất và đóng gói được bố trí hợp lý. Chưa kể nơi đổ rác thải cũng đặt xa nơi sản xuất hàng trăm mét và được xử lý cẩn thận, không để bà con hàng xóm phàn nàn. “Niềm vui lớn nhất là bà con đã đón nhận sản phẩm mình làm ra”, ông Thuận vui vẻ.

Từ khi đầu tư máy móc, mỗi năm, cơ sở cơ sở sản xuất kẹo đậu phộng Song Phụng cho ra lò hàng chục tấn kẹo đậu phộng, cung cấp cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ông Thuận kỳ vọng: “Cơ sở tôi đã đặt ra kế hoạch đầu tư máy đóng gói bao bì tự động cho kẹo với trọng lượng 400-500g để khép kín quá trình sản xuất theo hướng tự động hóa. Trong năm 2017, cơ sở còn có hướng làm thêm một vài loại bánh truyền thống để phục vụ nhu cầu sử dụng cho bà con địa phương.

Ở thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, ngay từ khi mới thành lập, Công ty TNHH sản xuất bánh tráng Lộc Phát đã đầu tư luôn máy móc hiện đại. Ông Hà Tấn Lực, Giám đốc Công ty chia sẻ: Từ lúc có ý định thành lập công ty, các thành viên sáng lập đã quyết tâm đầu tư máy móc và sử dụng công nghệ hiện đại trong làm bánh. Nhờ sự tiếp sức của Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công tỉnh, công ty đã đầu tư máy cán bánh tráng trị giá 200 triệu đồng. Hiện nay, mỗi ngày công ty cho ra lò khoảng 4.000 bọc bánh (mỗi bọc có 15 cái).

Nhiều máy móc thiết bị hiện đại được doanh nghiệp Lộc Phát đầu tư sản xuất bánh tráng Các sản phẩm bánh tráng của Công ty Lộc Phát

Ông Lực cho hay, nếu làm theo phương pháp tráng thủ công, với số lượng bánh trên thì số ngày làm phải tăng 4 lần và nhân công khoảng 20 người mới đảm đương kịp. Nhờ đầu tư máy móc hiện đại mà công ty đã tiết giảm được lượng nhân công làm việc mỗi ngày. Với 4.000 bọc bánh/ngày, hiện công ty chỉ cần khoảng 12 nhân công nên đã giảm chi phí thuê mướn rất nhiều so với trước đây. Một điều nữa là bánh cán ra đồng đều, ít bị hư so với tự tráng bằng tay nên số bánh làm ra mới đủ đáp ứng cho thị trường đang hút hàng như hiện nay.

Ông Phạm Quốc Ân, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, những năm qua, hoạt động khuyến công đã phần nào hỗ trợ được các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ phát triển theo quy hoạch. Qua đây, các cơ sở đã từng bước hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.


Thu Thủy