Khuyến công Vĩnh Phúc nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo nghề

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc (TVPTCN) đã nỗ lực rất lớn trong hoạt động đào tạo nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động tại các địa bàn v

Vĩnh Phúc hiện có 675.000 người đang trong độ tuổi lao động, lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là 620.400, trong đó lao động đang làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 311.000 người (chiếm 50,13% tổng số) còn lại làm việc trong các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và các ngành khác (Niên giám thống kê năm 2013- Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc). Lao động, việc làm và đào tạo nghề luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, trong đó có hoạt động đào tạo nghề của Trung tâm Khuyến công. Đặc thù của đối tượng đào tạo nghề của Trung tâm Khuyến công là những lao động ở các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn; Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp để tạo việc làm nâng cao tay nghề cho người lao động thông qua hình thức đào tạo chủ yếu là ngắn hạn, gắn lý thuyết với thực hành.

Có nhiều năm kinh nghiệm trong vấn đề đào tạo nghề, tìm nghề mới phù hợp với người học nghề, Trung tâm Khuyến công đã phối hợp với các phòng Công thương, kinh tế của các huyện thị xã, với chính quyền địa phương và các đơn vị, cơ sở CNNT tổ chức đào tạo, truyền nghề cho người lao động. Năm 2013, Trung tâm đã mở 12 lớp với 420 học viên tham gia (đạt 100% kế hoạch năm, bằng 40% so với cùng kỳ năm trước), tập trung vào những nghề: thêu ren, đính cườm 06 lớp với 210 lao động tại huyện Vĩnh Tường và huyện Yên Lạc; 04 lớp với 140 học viên thêu ren, móc sợi tại huyện Lập Thạch; 02 lớp may công nghiệp với 70 lao động. Đi đôi với đào tạo nghề, các học viên được Cơ sở CNNT bố trí việc làm với thu nhập ổn định cũng như có những cam kết bao tiêu sản phẩm cho người lao động sau khi được đào tạo nghề. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức thành công “Hội nghị tập huấn khuyến công” cho 121 học viên là cán bộ làm công tác khuyến công của các xã, phường, thị trấn nhằm chuyển tải đến cán bộ khuyến công những kiến thức về chuyên môn, công tác khuyến công, những thông tin về chế độ chính sách của Trung ương, địa phương để thực hiện tốt và phát huy được công tác khuyến công ở cơ sở.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, Trung tâm đã tổ chức khai giảng đào tạo nghề, truyền nghề: thêu ren, đính cườm 05 lớp với 175 học viên tại huyện Vĩnh Tường; 02 lớp với 70 học viên may công nghiệp thuộc huyện Lập Thạch, (bằng 61% so cùng kỳ năm trước và bằng 50% kế hoạch năm). Các doanh nghiệp cam kết sau đào tạo sẽ gắn với giải quyết việc làm ổn định cho các học viên. Đây là một mô hình đã được triển khai trong nhiều năm và đã phát huy tốt tại các địa phương doanh nghiệp, tạo được việc làm ổn định, phù hợp với người lao động xuất phát từ làm nông nghiệp. Tổ chức tốt 01 Hội nghị tập huấn khuyến công cho 130 học viên.

Để đạt được những thành quả trên phải nói tới những điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo nghề theo chương trình khuyến công, như: Một hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, thể hiện sự quan tâm đào tạo nghề cho người lao động như Nghị định 45 của Chính phủ về Khuyến công, Nghị quyết 31 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về Về chương trình khuyến công tỉnh Vĩnh phúc giai đoạn 2011 – 2015. Đặc biệt gần đây nhất là Thông tư 26 là thông tư liên tịch của liên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính ra ngày 18 tháng 02 năm 2014 về việc hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương, thay cho Thông tư 125 trước đó. Theo thông tư 26 thì kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công được điều chỉnh tăng kinh phí, điều này giúp việc đào tạo nghề, hỗ trợ cho các học viên đi học gặp thuận lợi hơn. Cùng với những điều kiện thuận lợi trên còn là sự quyết tâm của tập thể CBCCVC của Trung tâm Khuyến công, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp với phòng Công thương, phòng Kinh tế các huyện, thành, thị, các tổ chức chính quyền, đoàn thể các địa phương, cùng với các doanh nghiệp, HTX,… đóng trên địa bàn triển khai chương trình khuyến công.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, Trung tâm còn có những khó khăn, như: Đào tạo nghề theo chương trình khuyến công gắn với việc làm tại chỗ vì vậy đào tạo nghề phụ thuộc vào đầu ra của sản phẩm trong khi nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng còn chưa thoát khỏi sự khủng hoảng khiến cho đầu ra của sản phẩm gặp khó khăn, sản xuất đình trệ, sản phẩm ứ đọng, tồn kho nhiều, ngay tại các làng nghề truyền thống, nổi tiếng về tiêu thụ sản phẩm. Các cơ sở CN – TTCN, các doanh nghiệp sản xuất quy mô còn nhỏ, số lượng ít ỏi, năng lực quản lý, kiến thức kinh doanh hạn chế, không tự bao tiêu sản phẩm được mà phụ thuộc vào các doanh nghiệp ngoài tỉnh, bị động trong việc sản xuất; yêu cầu về sản phẩm lại khắt khe hơn. Riêng có hoạt động đào tạo nghề may cho các cơ sở may mặc theo nhu cầu của cơ sở vẫn duy trì và khởi sắc.

Cần phải khẳng định rằng, những hoạt động khuyến công hiện nay là cần thiết để hỗ trợ các cơ sở CNNT đào tạo nghề, nâng cao tay nghề, tạo việc làm tại chỗ, việc làm mới, tránh được việc di dời lao động sang nơi khác làm việc, góp phần cơ cấu lại lực lượng lao động tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, CNH – HĐH nông nghiệp nông thôn./.

Trung tâm Khuyến công & TVTCN