Khuyến khích áp dụng ISO 50001 để kiểm soát tiêu thụ năng lượng

Mạng lưới hiệu quả năng lượng đầu tiên ở Việt Nam đã chính thức hoạt động hồi tháng 7/2017 với mục tiêu giúp các công ty giảm thiểu chi phí năng lượng, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh, thúc

Tiềm năng tiết kiệm lớn

Sau thời gian triển khai thí điểm, 8 công ty đầu tiên tham gia Mạng lưới trong các ngành dệt may, sản xuất giấy, vận tải, chế biến cao su và nhựa đã được tiến hành kiểm toán năng lượng. Các chuyên gia tư vấn Đức và Việt Nam đã thăm các xưởng sản xuất và hỗ trợ trong quá trình kiểm toán này. Kết quả cho thấy, năm 2016, 8 doanh nghiệp này đã tiêu thụ 104.005.058 kWh điện và tiềm năng tiết kiệm có thể đạt 6.519.322 kWh điện. Với mức chi phí đầu tư 21.486 triệu đồng, 8 doanh nghiệp này có thể tiết kiệm được 10.582,1 triệu đồng tiền điện mỗi năm, thời gian hoàn vốn thấp nhất là 6 tháng đến cao nhất là 5 năm. Đây là số liệu báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (Enerteam) tại 8 doanh nghiệp đầu tiên tham gia Mạng lưới hiệu quả năng lượng hồi tháng 12 vừa qua.

Theo ông Mã Khai Hiền – Giám đốc Enerteam, thì qua khảo sát, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại các ngành rất lớn. Ví dụ như ngành Xi măng có thể tiết kiệm được tới 50% năng lượng tiêu thụ. Ngành Thép 20%, Dệt nhuộm 60%, Sản xuất mía đường 30%, một số ngành công nghiệp khác cũng đều có cơ hội tiết kiệm năng lượng từ 15-20%.

Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam

“Vấn đề là mặt bằng công nghệ của các doanh nghiệp còn ở mức thấp, nên việc phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia về kỹ thuật với các chuyên gia tư vấn là rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả của dự án” – ông Hiền chia sẻ.

Nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả

Qua quá trình khảo sát tại 8 doanh nghiệp thí điểm, Enerteam đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể phù hợp với từng đơn vị. Ông Hiền cho biết, các nhà máy đã thay thế các động cơ điều khiển ly hợp (VS) thành điều khiển biến tần (VSD) tiết kiệm năng lượng; xây dựng hệ thống khí nén trung tâm; tích cực thay thế các bóng đèn compact, huỳnh quang bằng đèn LED tiết kiệm năng lượng; cài đặt lại nhiệt độ điều hòa; hạ thấp độ cao đèn.

Đồng thời, sắp xếp lại khu vực sản xuất, hạ trần để giảm tải lạnh cho hệ thống điều hòa không khí, tổ chức lại sản xuất để giảm thời gian dừng máy. Khắc phục tình trạng rò rỉ khí nén và có kế hoạch dời hệ thống khí nén ra khỏi khu vực điều hòa… Ngoài ra, đa số các doanh nghiệp đã quan tâm và hướng đến việc sử dụng năng lượng mặt trời như là nguồn năng lượng sạch, bền vững, tuy nhiên, chi phí còn cao và thời gian hoàn vốn dài, nên sẽ thực hiện thí điểm và đưa vào kế hoạch dài hạn của các công ty.

Một vấn đề nữa mà ông Hiền chia sẻ là sự quan tâm của các doanh nghiệp với Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 chưa được mặn mà, trong khi đây lại là một giải pháp rất quan trọng để kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng tốt hơn và bền vững hơn. Do đó, việc áp dụng ISO 50001 cần được khuyến khích thực hiện như là một minh chứng cho thực hành tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp và tăng cường hình ảnh của doanh nghiệp đối với các đối tác.

Qua quá trình tư vấn, Enerteam đã hỗ trợ 22 doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001, trong đó có 17 doanh nghiệp đã chính thức được nhận chứng chỉ. Việc tận dụng máy móc thiết bị đã có, tích hợp quản lý năng lượng vào các hệ thống quản lý khác sẽ góp phần nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Mới đây nhất, Giải thưởng quốc gia về hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2017 đã được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương, nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững. Đối tượng tham dự là các doanh nghiệp tiêu thụ tương đương 2.000.000 kWh điện/năm và đã thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong 5 năm gần đây. Hạn nộp hồ sơ 15/1/2018. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Do đó, theo ông Hiền, các doanh nghiệp không nên bỏ qua cơ hội này nếu muốn quảng bá thương hiệu của mình trên thị trường trong nước và quốc tế.

Mạng lưới hiệu quả năng lượng Việt Nam là sáng kiến trong khuôn khổ Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng, do Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cùng phối hợp triển khai dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ).

8 doanh nghiệp đầu tiên tham gia Mạng lưới bao gồm:

1. Xí nghiệp In Bao bì Giấy LIKSIN

2. Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến

3. Tổng công ty Nam Thái Sơn

4. Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam

5. Công ty Dệt may 7

6. Công ty CP Cảng Sài Gòn

7. Công ty CP In nhãn hàng An Lạc

8. Công ty TNHH Dệt Đông Tiến Hưng


Hồ Nga