Khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào nguồn và lưới điện

Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì, đề xuất những chính sách liên quan hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo ra đột phá cho sự huy động mọi nguồn lực trong xã hội vào phát triển ngành năng lượng.
điện năng
Bộ trưởng Bộ Công Thương trong chuyến thăm và làm việc tại Gia Lai tháng 2/2020

 

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện có hiệu quả tinh thần của Chính phủ là tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành năng lượng không phải để giảm bớt vai trò của doanh nghiệp Nhà nước mà thực hiện trên tinh thần tạo thuận lợi, phát triển kinh tế thị trường, để các nguồn lực xã hội tham gia huy động, phát triển.

Việc tái cơ cấu các Tập đoàn Dầu khí Việt Nam,Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam, đã góp phần rất quan trọng trong tái cơ cấu ngành điện, hình thành thị trường phát điện cạnh tranh, sau đó là bán buôn điện cạnh tranh, chuẩn bị tiến tới hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Đây là một không gian bình đẳng để mọi nguồn lực xã hội tham gia vào cổ phần hóa, góp vốn đầu tư vào năng lượng.

Với sự tham mưu, đề xuất chính sách của Bộ Công Thương, trong lĩnh vực điện năng đã có những chuyển biến tích cực trong huy động các nguồn lực, đặc biệt là tư nhân.

Điện mặt trời, điện gió là lĩnh vực tư nhân tham gia mạnh mẽ
Năng lượng tái tạo là lĩnh vực tư nhân tham gia mạnh mẽ

 

Đến nay đã có 28% tổng công suất phát, công suất nguồn đến từ các doanh nghiệp tư nhân dưới các hình thức đầu tư đa dạng, có hiệu quả.

Dư luận xã hội đánh giá cao Bộ Công Thương trong đề xuất một số cơ chế, chính sách mới về năng lượng sạch như: cơ chế giá cho điện mặt trời, cơ chế giá cho điện gió.

Những chính sách này, không chỉ chứng minh tính đúng đắn trong đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch, mà còn cho thấy tiềm năng rất lớn của khu vực tư nhân trong tham gia phát triển ngành điện.

Quyết định 11 và Quyết định 39 là những thí điểm Bộ Công Thương đã làm tốt, vậy Nghị quyết 55-NQ/TW ra đời sẽ vận hành như thế nào, nhất là khi năm 2021 và những năm tiếp theo chúng ta vẫn còn tiếp tục căng thẳng trong nhu cầu điện năng?

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cần phải vận dụng và triển khai ngay Nghị quyết này giải quyết bài toán cân đối cung cầu điện trong những năm tới.

Trong chuyến công tác tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, tháng 2/2020, Bộ Công Thương đã ghi nhận rất nhiều ý kiến, kiến nghị của hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, chủ đầu tư về đầu tư hạ tầng điện, về kinh tế tư nhân tham gia vào đầu tư nguồn và lưới điện, về phát triển năng lượng tái tạo…

Đảm bảo nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt luôn là mối quan tâm hàng đầu của xã hội
Đảm bảo nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt luôn là mối quan tâm hàng đầu của xã hội

 

Tập hợp những ý kiến, kiến nghị này, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, trên tinh thần để các địa phương tận dụng được mọi nguồn lực xã hội và khai thác tốt các cơ hội do cơ chế của Quyết định 11, Quyết định 39 mang lại, cũng như yêu cầu của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị là  “Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo”.

Định công