Báo cáo mới nhất về tình hình thương mại toàn cầu của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố ngày 7/7 cho thấy kim ngạch thương mại toàn cầu trong quý 1/2022 đã đạt mức cao kỷ lục 7.700 tỷ USD, tăng khoảng 1.000 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng thương mại ở tất cả các khu vực địa lý đều ở mức cao, nổi bật là khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Báo cáo của UNCTAD chỉ rõ giá trị xuất khẩu hàng hóa từ các nước đang phát triển trong quý 1/2022 tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, con số này ở các nước phát triển là khoảng 14%. Giá nhiên liệu cao là nguyên nhân thúc đẩy giá trị thương mại trong lĩnh vực năng lượng tăng mạnh. Nhóm ngành kim loại và nhóm ngành hoá chất cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng trên mức trung bình. Ngược lại, hoạt động xuất nhập khẩu phương tiện di chuyển và thiết bị thông tin liên lạc vẫn ở dưới mức của năm 2021 và 2019.
Tuy nhiên, UNCTAD lưu ý kim ngạch thương mại toàn cầu tăng lên chủ yếu nhờ giá hàng hoá tăng và khối lượng hàng hoá được giao dịch chỉ tăng thêm ở mức độ thấp hơn nhiều so với mức độ tăng của kim ngạch giao thương.
UNCTAD nhận định tình hình thương mại toàn cầu sẽ vẫn có nhiều điểm tích cực nhưng tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ giảm tốc trong quý 2/2022, thậm chí xu hướng tích cực đối với thương mại quốc tế có thể sớm kết thúc trong bối cảnh các chính sách thắt chặt, áp lực lạm phát cao, rủi ro khả năng thanh toán nợ của một số quốc gia và căng thẳng địa chính trị xuất hiện.
Trong đó, cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine đã khiến giá nhiều loại hàng hoá tăng lên, ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại quốc tế. Đồng thời, việc các quốc gia gia tăng lãi suất và giảm các biện pháp kích thích kinh tế cũng sẽ tác động xấu đến khối lượng thương mại trong thời gian còn lại của năm nay.
Mặt khác, UNCTAD cho biết các yếu tố dự kiến sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại toàn cầu trong năm nay là những thách thức đối với việc đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng khu vực hóa và các chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế toàn cầu xanh hơn.
Trong một diễn biến khác, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu đã tăng lên và IMF “không thể loại trừ khả năng này sẽ xảy ra”. Đồng thời, bà Kristalina Georgieva nhấn mạnh “rủi ro suy thoái trong năm 2023 đã tăng lên” và nhận định năm 2023 có thể là một năm khó khăn hơn đối với nền kinh tế toàn cầu.
Dự kiến IMF sẽ tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bản báo cáo công bố vào cuối tháng 7. Đây sẽ là lần thứ ba liên tiếp, IMF điều chỉnh giảm dự báo kinh tế toàn cầu trong năm nay. Trong bản dự báo gần nhất công bố hồi tháng 4 vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay từ mức 4,4% xuống còn 3,6%. Trong năm 2021, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 6,1%.
Bà Kristalina Georgieva cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu kể từ khi IMF cập nhật dự báo hồi tháng 4 đã “xấu đi rất nhiều” khi tình trạng lạm phát leo thang lan rộng ra nhiều quốc gia, các ngân hàng trung ương mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc vì các biện pháp phong toả kéo dài, và phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt cứng rắn nhắm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.
Các dữ liệu kinh tế gần nhất cho thấy một số nền kinh tế lớn trên thế giới, bao gồm cả Nga và Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại trong quý 2/2022.