Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh yêu cầu trên tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh sáng 4/9, trong chuyến công tác thị sát hoạt động quản lý xuất nhập khẩu (XNK), phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và cơ chế hoạt động kinh tế cửa khẩu tại biên giới các tỉnh miền Trung.
Khu kinh tế cửa khẩu-mũi nhọn chưa xứng với tiềm năng
Với 2 quốc lộ (1A, đường Hồ Chí Minh), đường sắt Bắc Nam chạy qua, có 145km biên giới giáp Lào, 137km đường biển với 3 cảng biển, Hà Tĩnh đã được Chính phủ cho phép thành lập KKT Vũng Áng và KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo để tạo điều kiện cho tỉnh phát huy tiềm năng, lợi thế thông thương. Với kim ngạch XNK, đầu tư, lao động dịch vụ thương mại tăng trưởng mạnh hàng năm, kinh tế cửa khẩu và hoạt động thương mại đang giữ vai trò quyết định trong cơ cấu phát triển kinh tế đối với tỉnh nghèo Hà Tĩnh.
Tính riêng quan hệ thương mại biên giới với Lào, kim ngạch XNK biên mậu của Hà Tĩnh hiện đạt gần 90 triệu USD, trong giai đoạn 2002-2008 bình quân mỗi năm đều tăng trên 41,2%. Cùng với đó, tỉnh cũng đã thiết lập được 9 chợ biên giới, 1 chợ cửa khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cư dân Việt Nam và Lào tăng cường giao thương hàng hoá-dịch vụ.
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, mục tiêu và yêu cầu phát triển của kinh tế cửa khẩu tại Hà Tĩnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Đến thời điểm này, công tác xây dựng quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo vẫn còn chậm, kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, nhất là hạ tầng các khu công nghiệp, hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin truyền thông, điện, nước; tiến độ xây dựng một số công trình chậm, tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Công tác phối hợp hoạt động giữa các đơn vị trong KKT và việc cải cách thủ tục hành chính tại cửa khẩu còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến việc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư và khách du lịch qua lại biên giới. Mặt khác việc triển khai các chính sách liên quan đến KKT cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp. Trong 8 tháng đầu năm 2009, các lực lượng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm trị giá hàng chục tỷ đồng, nhiều mặt hàng buôn lậu có tính trọng điểm, liên quan đến an ninh kinh tế, trật tự xã hội như đồ điện tử, thuốc lá, nước giải khát, gỗ, động vật hoang dã, quý hiếm và cả ma túy, tiền giả.
Báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết vướng mắc trong phát triển KKT cửa khẩu
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, kinh tế cửa khẩu cần phải được coi là động lực chính, lĩnh vực Hà Tĩnh cần tập trung đầu tư trong thời gian tới. Những hạn chế trong quy hoạch, đầu tư và tiến độ triển khai các KKT của Hà Tĩnh đang chưa đạt yêu cầu, dẫn đến quy mô XNK qua cửa khẩu còn nhỏ bé, trang thiết bị, trình độ quản lý chưa hiện đại và chưa giúp nâng cao tốt nhất đời sống cư dân biên giới.
“Những bất cập, tồn tại trong phát triển KKT, KKT cửa khẩu ở Hà Tĩnh nói riêng cũng như cả nước sau đợt đi kiểm tra, thị sát này sẽ được các Bộ, ngành sớm rà soát, tập hợp để báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng cho biết.
Bên cạnh việc tìm hiểu, tổng hợp các vướng mắc chung của việc phát triển kinh tế cửa khẩu và quản lý XNK để chỉ đạo xây dựng, sửa đổi các chính sách trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho ý kiến xử lý cụ thể một số vấn đề liên quan đến chính sách ưu đãi tài chính, nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KKT cửa khẩu tại Hà Tĩnh.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính xử lý, thống nhất hướng dẫn trong Thông tư số 45/2008/TT-BTC về chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại KKT; việc hưởng chính sách khu phi thuế quan tại KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo để thu hút hơn nữa các thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, XNK tại KKT cửa khẩu này.
Về vấn đề kết cấu hạ tầng KKT, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh cần sớm hoàn thành công tác quy hoạch để đảm bảo mục tiêu xây dựng KKT đúng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, có kế hoạch cân đối vốn phù hợp để đầu tư xây dựng, tạo động lực và sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư tham gia KKT cũng như kinh tế Hà Tĩnh.
Một số vấn đề kiến nghị của tỉnh như sửa đổi chính sách mở tờ khai hải quan và XNK hàng hoá, vốn thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 8A, chính sách đầu tư trang bị phương tiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, kinh phí, nhân lực... đủ điều kiện để phục vụ công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại cũng sẽ được các Bộ, ngành liên quan tổng hợp, đề xuất Chính phủ phương án giải quyết.