Khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đã suy giảm tăng trưởng 0,7% trong quý 4/2020 so với quý liền trước đó. Giới phân tích dự báo khu vực kinh tế Eurozone sẽ vẫn tiếp tục suy giảm nhưng với mức ít hơn trong quý 1/2021.
Cuối tháng 12/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ đạt trạng thái như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào cuối năm nay. Tuy nhiên, khu vực kinh tế Eurozone chỉ có thể quay trở lại mức bình thường vào đầu năm 2022.
Ông Valdis Dombrovskis cho biết sự phục hồi chậm của khu vực Eurozone chủ yếu do các cơ quan quản lý y tế tại Châu Âu (EU) mất nhiều thời gian hơn Hoa Kỳ hay Vương quốc Anh trong việc phê duyệt sử dụng đại trà vaccine. Ông Valdis Dombrovskis nhấn mạnh các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt vaccine của (EU) là cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, nhận thức cộng đồng khác biệt cũng khiến việc tiêm chủng vaccine tại Châu Âu diễn ra chậm hơn. Theo ông Valdis Dombrovskis, EU hiện đã phê duyệt và sẵn sàng triển khai tiêm chủng đại trà 3 loại vaccine.
"Tốc độ tiêm chủng sẽ tăng lên rất nhiều trong những ngày và tuần tới. Tuy nhiên, nền kinh tế khu vực Eurozone có thể sẽ không phục hồi như trước đại dịch cho đến năm sau", ông Valdis Dombrovskis nhấn mạnh.
Sự phục hồi kinh tế của khu vực Eurozone với 27 quốc gia thành viên cũng sẽ được hỗ trợ nhờ kế hoạch vay và chi tiêu trị giá tới 750 tỷ EUR. Dự kiến kế hoạch này sẽ được Nghị viện Châu Âu thông qua trong ngày 9/2 (theo giờ Châu Âu). Các khoản chi tiêu theo kế hoạch này được kỳ vọng sẽ hiện đại hoá nền kinh tế các quốc gia thành viên và giúp các nước này chống chọi tốt hơn với các cú sốc trong tương lai.
Các bộ trưởng tài chính của khu vực EU sẽ thảo luận về thời điểm bắt đầu thu hẹp các biện pháp hỗ trợ tài chính trong quý 2/2020 nhưng gói kích thích tài chính đã được quyết định sẽ duy trì cho đến cuối năm 2021.