Kinh tế thế giới sẽ không còn chao đảo vì giá dầu?

Với sự thành công trong khai thác dầu đá phiến, Mỹ đã làm cho kinh tế dầu mỏ của thế giới thay đổi. Đá phiến dầu của Mỹ bây giờ thực sự đã là một đối thủ đối với Ả-rập Xê-út. Điều đó cũng còn có nghĩa

Kể từ tháng 6 đến nay, giá dầu đã giảm hơn 40%, từ mức 115 USD/thùng đến nay chỉ còn khoảng 50 USD/thùng. Đây cũng là đợt giảm đầu tiên sau gần 5 năm giá dầu ổn định. Một cuộc họp tổ chức tại Vienna (Áo) vào ngày 27/11/2014 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hiện kiểm soát 40% thị trường thế giới đã không đạt được một thỏa thuận nào về cắt giảm sản lượng để chặn đà giảm giá mà lại còn khiến giá giảm thêm. Cùng với xu thế đó là một loạt các nước xuất khẩu dầu mỏ bị thiệt hại nặng như Nga (nơi mà giá dầu giảm còn kéo theo đồng Rúp mất giá kỷ lục), Nigeria, Iran và Venezuela. Vậy vì sao giá giảm?

Giá dầu được quyết định một phần bởi cung và cầu thực chất, nhưng cũng một phần là do sự kỳ vọng. Nhu cầu về năng lượng dầu mỏ có liên quan chặt chẽ đến hoạt động kinh tế, nó sẽ tăng vào mùa đông ở vùng Bắc bán cầu và vào mùa hè ở những nước sử dụng điều hòa không khí. Nguồn cung cũng có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết (cản trở đến việc vận chuyển dầu) và bởi tình hình địa chính trị. Nếu như các nhà sản xuất nghĩ rằng giá dầu cao thì họ sẽ đầu tư và như vậy sẽ tăng thêm nguồn cung. Tương tự khi giá thấp sẽ dẫn đến kho cạn đầu tư. Các quyết định của tổ chức OPEC thường đem lại những kỳ vọng: nếu tổ chức này cắt giảm mạnh nguồn cung thì có thể giúp đẩy giá lên.

Có 4 nguyên nhân lý giải cho sự giảm giá dầu. Thứ nhất là do cầu thấp mà căn nguyên của nó là do tình hình kinh tế yếu kém, trong khi khả năng tiết kiệm trong sử dụng năng lượng hiệu quả lại tăng lên, đồng thời cũng có nguyên nhân của việc ngày càng có xu thế chuyển sang các nhiên liệu khác thay thế cho dầu mỏ. Nguyên nhân thứ hai là mặc dù xảy ra tình hình hỗn loạn ở Iraq và Libya, hai nước sản xuất dầu lớn với sản lượng chung là 4 triệu thùng/ngày, nhưng sản lượng của họ lại không hề bị ảnh hưởng. Điều này có nghĩa là thị trường lại càng lạc quan hơn trước những rủi ro về địa chính trị. Thứ ba là Mỹ đã vươn lên trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Mặc dù nước này không xuất khẩu dầu thô nhưng hiện nay đã nhập khẩu ít hơn, khiến cho nguồn cung bị dư thừa nhiều. Và nguyên nhân cuối cùng là Ả-rập Xê-út, nước hiện sản xuất gần 10 triệu thùng dầu mỗi ngày - chiếm 1/3 trong tổng sản lượng của khối OPEC, cùng các đồng minh của họ ở vùng Vịnh đã quyết định không hy sinh thị phần của mình để khôi phục giá dầu. Thực ra họ có thể cắt giảm sản lượng dầu mỏ mạnh nhưng lợi ích chính từ việc cắt giảm này sẽ thuộc về những nước như là Iran và Nga. Ả rập Xê út là nước có khả năng chấp nhận để cho giá dầu hạ thấp một cách dễ dàng vì họ có những 900 tỷ USD dự trữ ngoại tệ trong khi giá thành đưa dầu lên khỏi mặt đất của họ lại rất ít, chỉ tốn 5 - 6 USD/thùng.

Vậy ai là người chịu tác động chính của sự giảm giá dầu này, đó chính là những thành phần dễ gặp rủi ro nhất, dễ bị tổn thương nhất trong ngành công nghiệp dầu. Đó là những công ty Mỹ đã vay mượn rất nhiều với kỳ vọng giá dầu sẽ vẫn tiếp tục cao. Đó là những công ty dầu mỏ phương Tây với những dự án khoan ở vùng nước sâu hay ở Bắc Cực với chi phí cao, hoặc là những hợp đồng khai thác ở các vùng khai thác đắt đỏ như Biển Bắc. Tuy nhiên, chịu tổn thất nặng nề nhất vẫn là những nước trông cậy vào giá dầu cao để có tiền chi trả cho những dự án đắt đỏ đầu tư ở nước ngoài và những chương trình xã hội tốn kém của họ. Trong số này có Nga và Iran.

Đá phiến dầu của Mỹ góp phần làm giá dầu giảm

Trong số các nguyên nhân nêu ở trên thì nguyên nhân thứ ba là Mỹ trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, khiến cho nước này nhập khẩu ít hơn và nguồn cung bị dư thừa. Vì sao bỗng nhiên Mỹ lại trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới? Đó chính là việc Mỹ đã khai thác được dầu từ đá phiến dầu ở Bang Bắc Dakota và Texas (đây là một công nghệ chiết tách dầu từ một loại đá thấm dầu thay vì hút dầu trực tiếp từ các mỏ hay túi dầu theo công nghệ truyền thống. Đá phiến dầu phân bố ở nhiều nơi trên thế giới nhưng ở Mỹ vẫn là nhiều nhất). Ngày trước khi giá dầu dao động quanh 110 USD/thùng, người Mỹ đã bắt đầu tiến hành chiết tách dầu từ đá phiến dầu, một điều trước nay người ta vẫn cho rằng là không khả thi. Tuy nhiên, kể từ năm 2010 đến nay, Mỹ đã khai thác một số lượng mỏ đá phiến dầu cực lớn, 20.000 mỏ và đây là nguyên nhân dẫn đến sản lượng dầu của Mỹ đã tăng lên 1/3, đạt 9 triệu thùng/ngày, tức là chỉ có ít hơn sản lượng của Ả rập Xê út 1 triệu thùng/ngày. Cuộc đua giữa Mỹ với Ả rập Xê út đã khiến cho thế giới chao đảo từ chỗ thiếu dầu trở thành ra dư thừa dầu.

Và với sự thành công trong khai thác dầu đá phiến, Mỹ đã làm cho kinh tế dầu mỏ của thế giới thay đổi. Đá phiến dầu của Mỹ bây giờ thực sự đã là một đối thủ đối với Ả rập Xê út. Điều đó cũng còn có nghĩa là sự chao đảo của giá dầu thế giới đã bị giảm đi mà hơn nữa nền kinh tế thế giới cũng không vì giá dầu mà chao đảo nhiều nữa. Trong hai ngành có khả năng làm cho kinh tế thế giới có thể bị suy thoái là dầu và tài chính, thì nay ít ra, một trong hai thứ đó đã có vẻ sẽ ổn định hơn trong tương lai.