Vào những tuần cuối cùng của năm 2019, các số liệu thống kê cho thấy kinh tế thế giới là một “bức tranh lẫn màu sáng-tối”. Thông tin về kinh tế Anh được xem là một điểm sáng khá bất ngờ. Trong báo cáo công bố ngày 20/12, Cơ quan Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho biết, trong quý 3 vừa qua, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đã tăng trưởng 0,4%, cao hơn mức ước tính 0,3%. Kết quả này là nhờ mức tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ được điều chỉnh tăng so với dự báo trước đó. Theo ONS, trong 9 tháng đầu năm 2019, nền kinh tế Anh tăng trưởng 1,1%, tăng so với mức dự báo 1%.
Kinh tế Mỹ đã khởi sắc vào những tháng cuối năm khi các báo cáo cho thấy sản lượng công nghiệp ở nước này phục hồi mạnh, trong khi giấy phép xây dựng nhà mới đạt mức kỷ lục trong 12 năm. Chỉ số chứng khoán của Mỹ cũng tăng cao những phiên gần đây. Mỹ đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 2,1% trong quý vừa qua, trong khi tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3,5%, thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ.
Với tình hình kinh tế như trên, cuộc họp của các nhà lãnh đạo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa quyết định tiếp tục duy trì mức lãi suất từ 1,5% đến 1,75% sau 3 lần hạ lãi suất. Ngay sau cuộc họp nói trên, Giám đốc chi nhánh của FED tại bang Texas, ông Robert Kaplan nhận định rằng lãi suất của FED sẽ không thay đổi trong năm 2020 trong khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Cùng với dấu hiệu tích cực của kinh tế Mỹ - Anh, hy vọng giảm nhiệt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như việc đưa tiến trình Brexit “về đích” đã được mở ra trong tháng cuối cùng của năm 2019. Trong tháng 12/2019, hai “người khổng lồ” của kinh tế thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và thông báo rằng họ đã nhất trí về mặt văn bản đối với thỏa thuận bao gồm nới lỏng việc áp thuế và tăng thu mua nông sản.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/12 đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thảo luận về vấn đề thương mại và các vấn đề khác trong quan hệ song phương. Theo đó, ông Tập Cận Bình cho rằng thỏa thuận thương mại và kinh tế giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc “là một điều tốt đẹp đối với cả hai bên cũng như toàn thế giới”. Trong khi đó, Tổng thống Trump nhấn mạnh hai bên đã có “một cuộc thảo luận rất tốt”, rằng Trung Quốc đã bắt đầu thu mua “trên quy mô lớn” nông sản Mỹ và việc ký kết một thỏa thuận chính thức đang được sắp xếp.
Trong khi đó, nước Anh đã thấy “Ánh sáng cuối đường hầm” cho bài toán Anh rời EU. Trong chương trình nghị sự của chính phủ mới, công bố hôm 19/12, Thủ tướng Johnson khẳng định năm 2020 sẽ là năm "tuyệt vời" với nước Anh khi bức tranh Brexit đã rõ ràng hơn, mang lại sự chắc chắn để các doanh nghiệp và người dân có cơ sở vững chắc để lên kế hoạch cho tương lai.
Tiếp đó, ngày 20/12, thỏa thuận Brexit mà chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson ký kết với EU hồi tháng 10 vừa qua, đã được Hạ viện khóa mới thông qua lần thứ nhất, qua đó cho phép tiến hành phiên họp về đại cương dự luật. Đây là bước đi đầu tiên hướng tới hiện thực hóa cam kết hoàn tất Brexit vào ngày 31/1/2020.
Tuy nhiên, nhìn lại bức tranh tổng thể về kinh tế thế giới 2019, vẫn còn không ít những mảng màu xám. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; căng thẳng thương mại Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và các nước láng giềng và căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi đã tác động tiêu cực đến các lĩnh vực đầu tư, thương mại toàn cầu. Theo đó, suy giảm đầu tư, xuất khẩu và suy giảm tăng trưởng kinh tế đã diễn ra ở nhiều quốc gia.
Tại Trung Quốc, do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Mỹ, tăng trưởng kinh tế trong quý 3/2019 chỉ đạt mức tăng trưởng 6% - mức yếu nhất trong gần 3 thập kỷ. Cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa công bố một loạt số liệu kinh tế cho thấy sự giảm sút mạnh về chi tiêu tiêu dùng, sản xuất của các nhà máy cũng như đầu tư của nền kinh tế Trung Quốc. Theo đó, trong tháng 10 vừa qua, chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng của tháng trước đó 0,6%.
Theo số liệu của Văn phòng Nội các Nhật Bản, kinh tế nước này trong quý 3/2019 tăng trưởng chậm hơn dự kiến làm dấy lên quan ngại về "sức khỏe" của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. GDP của Nhật Bản trong quý 3 chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái - thấp hơn mức tăng trưởng 1,8% của quý 2 cũng như mức dự báo tăng 1% của giới phân tích. Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, tình trạng xuất khẩu giảm sút, những căng thẳng thương mại tiếp diễn đã làm chậm đà tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Trong khi đó, tại châu Âu, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gần như chững lại trong tháng 12, đưa quý cuối cùng của năm 2019 trở thành quý có hoạt động kinh tế yếu kém nhất kể từ năm 2013. Tại Đức, hoạt động kinh doanh đã giảm tháng thứ tư liên tiếp. Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2019 và 2020.
Có thể thấy, trong suốt năm 2019, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và các tranh chấp thương mại cũng như sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trên toàn cầu đã “phủ bóng đen” lên bức tranh kinh tế thế giới. Dù trong tháng cuối cùng của năm 2019, những tín hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện, nhưng đa số giới phân tích và các định chế tài chính vẫn thận trọng cho rằng “Đông qua, Xuân chưa tới” với kinh tế thế giới năm 2020.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dù tạm lắng dịu, song vẫn có nguy cơ bùng phát và đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới. Tiến trình Brexit đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, nhưng còn quá nhiều bất trắc phía trước và nguy cơ “Brexit cứng” (không thỏa thuận) vẫn rất cao. Các điểm nóng an ninh, đối ngoại cùng các nguy cơ tài chính vẫn đang tạo nên “rào cản” với tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn. Ở thời điểm “bản lề” chuyển giao năm mới, các dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2020 vẫn không mấy lạc quan.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo về kinh tế thế giới năm 2019 mới đây, đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống 3%, đồng thời cảnh báo kinh tế thế giới đang phát triển với nhịp độ yếu nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020, đồng thời cho biết không thấy có dấu hiệu kinh tế toàn cầu năm 2021 sẽ phục hồi.
OECD nhận định rằng kinh tế toàn cầu sẽ tăng khoảng 2,9% năm 2020, đồng thời đánh giá kinh tế thế giới đang tăng với tốc độ yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát năm 2007. Dự báo, năm 2021, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm xuống 2%; kinh tế Nhật Bản và Khu vực Eurozone lần lượt dự báo tăng ở mức 0,7% và 1,2%, trong khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục giảm xuống còn khoảng 5,5%. Tại Mỹ, các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế số một thế giới sẽ giảm xuống 1,8% vào năm 2020.
Với thực tế như trên, xem ra khó khăn của những “ngày đông tháng giá” với kinh tế toàn cầu năm 2019 sẽ còn kéo dài sang năm 2020. Để đưa các nền kinh tế trở lại quỹ đạo phục hồi, tăng trưởng, các chính phủ và định chế tài chính lớn còn rất nhiều việc phải làm mà trọng tâm là đối phó hiệu quả với chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại; đồng thời cải cách cơ cấu kinh tế và ngăn chặn các nguy cơ nợ công và khủng hoảng tài chính…