Tại phiên khai mạc COP25 diễn ra từ ngày 2/12 tại Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres vừa cảnh báo rằng, thế giới đang đối diện với một cuộc khủng hoảng khí hậu đe dọa tới nền văn minh, loài người phải lựa chọn giữa “hy vọng và đầu hàng”.
TTK LHQ nêu rõ: "Một con đường là đầu hàng, nơi chúng ta lơ đễnh bước qua điểm không thể quay đầu, hủy hoại sức khỏe và sự an toàn của mọi người dân trên hành tinh này". Trước thềm COP25, ông Antonio Guterres trong phát biểu với báo giới đã cảnh báo loài người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và đang tiến gần tới "điểm không thể cứu vãn" trong cuộc khủng hoảng này.
Trích dẫn một báo cáo của LHQ công bố ngày 26/11 vừa qua, ông Giterres nêu rõ, nhiệt độ toàn cầu trong 5 năm qua được ghi nhận ở mức ấm kỷ lục, trong đó năm 2019 là năm nóng thứ hai chưa từng thấy. Các trận thiên tai liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu xảy ra thường xuyên hơn, với mức độ nghiêm trọng hơn và có sức tàn phá khủng khiếp hơn. Sự ấm lên toàn cầu gây nguy cơ đối với sức khỏe loài người và an toàn thực phẩm, trong khi tình trạng ô nhiễm không khí được coi là nguyên nhân dẫn tới 7 triệu trường hợp tử vong ở các ca sinh non mỗi năm.
Không chỉ tại diễn đàn COP25, vấn đề chống biến đổi khí hậu cũng đã “nóng” bởi các cuộc tuần hành và phong trào hành động “vì hành tinh xanh” của người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hôm 6/12, khoảng 500 nghìn người đã xuống đường tuần hành ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, kêu gọi lãnh đạo các nước tham dự COP 25 cần sớm có hành động để giải quyết các vấn đề môi trường. Cuộc tuần hành được tổ chức bởi Fridays for Future đã chứng kiến bài phát biểu đầy cảm hứng của nhà hoạt động trẻ Greta Thunberg, người Thụy Điển.
Greta Thunberg nói: “Chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng về môi trường và hệ sinh thái. Và chúng ta cần coi đây là một cuộc khủng hoảng và chúng ta cần thoát ra khỏi những vùng an toàn. Đó là lý do tại sao tôi và mọi người có mặt tại đây. Chúng ta cần đưa ra thông điệp để lãnh đạo các nước phải có trách nhiệm và hành động để bảo vệ thế hệ lúc này và tương lai”.
Trước đó, vấn đề chống biến đổi khí hậu cũng đã “nóng” bởi các cuộc tuần hành và phong trào hành động vì hành tinh xanh của người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Đức, với biểu ngữ "Một hành tinh, một cuộc chiến", hàng nghìn người đã đổ về Cổng Brandenburg ở thủ đô Berlin để tham gia cuộc tuần hành hưởng ứng phong trào "Thứ 6 về tương lai", được lấy cảm hứng từ nhà hoạt động Greta Thunberg.
Báo chí Đức cho biết, với phong trào "Thứ 6 về tương lai", tổng cộng khoảng 630.000 người đã tuần hành trên khắp hơn 500 thành phố của Đức. Hà Lan đã ghi nhận tuần hành kêu gọi chống biến đổi khí hậu tại 15 thành phố. Trong khi đó, hàng nghìn người cũng đã xuống đường tuần hành tại Bồ Đào Nha, Pháp… Riêng ở Pháp, người tuần hành đã chặn trung tâm phân phối của hãng bán lẻ Amazon ở ngoại ô thủ đô Paris và các khu vực khác gần Lyon, Lille và họ nhấn mạnh tác động tiêu cực của “chủ nghĩa tiêu dùng” đối với khí hậu. Ở các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Australia… người dân cũng đã xuống đường tuần hành kêu gọi hành động để ngăn chặn “bom hẹn giờ” biến đổi khí hậu trước khi quá muộn.
Việc công dân nhiều nước hưởng ứng chiến dịch "Thứ Sáu vì tương lai" (nghỉ học mỗi thứ Sáu hàng tuần để đến ngồi trước Quốc hội kêu gọi chống biến đổi khí hậu) do nữ sinh trẻ tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg khởi xướng, cho thấy chống biến đổi khí hậu đã trở thành mối quan tâm chung của mọi người dân trên toàn thế giới. Ngoài phong trào nói trên, năm 2019 còn chứng kiến làn sóng tuần hành của phong trào "Extinction Rebellion" khởi phát từ Anh và sau đó lan rộng trên toàn thế giới.
Với khẩu hiệu "Khi hy vọng tan biến là lúc hành động trỗi dậy", phong trào như lời dự báo về một ngày không xa mà người dân sẽ tự đứng lên hành động để bảo vệ môi sinh của chính mình khi không còn hy vọng. Các nhà phân tích cho rằng, từ nhiều thập kỷ qua, giới khoa học liên tục cảnh báo về những nguy cơ từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch một cách không kiểm soát với loài người và Trái Đất. Nhưng, phải đến năm 2019, năm được coi là nóng thứ 2 trong lịch sử nhân loại, các thông điệp của giới khoa học mới được những chủ nhân của hành tinh này đón nhận một cách nghiêm túc.
Các thông điệp cảnh báo “Bom hẹn giờ biến đổi khí hậu” và kêu gọi hành động bảo vệ môi trường nêu trên được đẩy lên thành phong trào toàn cầu trong bối cảnh các chính phủ đang hành động kém hiệu quả để ngăn Trái đất ấm lên. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký kết năm 2015 là bản cam kết của các quốc gia nhằm kiềm chế tình trạng ấm lên toàn cầu ở mức cao hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp để tránh những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Các quốc gia cũng hướng tới ngưỡng tham vọng hơn là kiềm chế mức nhiệt tăng ở 1,5 độ C. Tuy nhiên, tới cuối năm 2018, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) công bố báo cáo khẳng định những nỗ lực hiện tại nhằm kiềm chế mức nhiệt tăng trên toàn thế giới còn quá nhỏ để đạt mục tiêu 1,5 độ C. Báo cáo nhấn mạnh khi mức nhiệt tăng dù chỉ chênh nhau có 0,5 độ C cũng có thể gây ra thảm họa với loài người. Chính bản báo cáo này đã đánh động các phong trào toàn cầu lên tiếng bảo vệ hệ thống khí hậu.
Nhân dịp COP25 năm nay, một báo cáo của Chương trình môi trường của LHQ vừa công bố cho rằng cần phải giảm 7,6% lượng khí CO2 phát thải ra môi trường mỗi năm trong vòng 10 năm tới thì mới có thể kìm hãm sự tăng nhiệt toàn cầu ở dưỡi ngưỡng 1,5 độ C theo mục tiêu đặt ra trong Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu. TTK Guterres cho rằng mục tiêu 1,5 độ C là có thể đạt được, song điều này đã bị bỏ lỡ. Ông thẳng thắn chỉ trích các quốc gia có lượng khí thải lớn nhất thế giới đã không nỗ lực hết mình trong cuộc chiến này.
Trong khi đó, một “lực cản” lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay là các quốc gia vẫn “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong các chiến dịch và mục tiêu bảo vệ môi trường chung của nhân loại. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong khi các nước có lượng khí phát thải lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil "mập mờ" về việc thực hiện các cam kết về khí hậu trong ngắn hạn. Tại EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu mới được bầu, bà Ursula von der Leyen đang cố gắng thúc đẩy toàn khối hướng tới mục tiêu đưa lượng khí phát thải về 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, một số nước thành viên EU như Ba Lan và Hungary lại phản đối mục tiêu này.
Trước những bằng chứng không thể chối cãi và áp lực từ các phong trào chống biến đổi khí hậu gần đây, nhiều chính phủ trên thế giới cũng đã bắt đầu điều chỉnh chính sách. Tổng cộng 66 quốc gia trên thế giới đã lên kế hoạch đạt mục tiêu triệt tiêu carbon trước năm 2050. Các thành phố London và Paris cũng đã ban bố các cơ chế khẩn cấp khí hậu và sinh thái chính thức. Tuy nhiên, vẫn không ít quan ngại rằng các tiến triển trên có thể suy yếu khi các nền kinh tế đang phát triển vẫn cần tới nhiên liệu hóa thạch để thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng. Muốn tháo ngòi nổ của “quả bom hẹn giờ biến đổi khí hậu”, các quốc gia trên thế giới phải nỗ lực nhiều hơn nữa để sản xuất năng lượng bền vững, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như phối hợp hành động để Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu để hiệp định có thể được triển khai năm 2021.