Các doanh nghiệp sản xuất tại Trung Quốc đang đối mặt với các thách thức nghiêm trọng hơn từ sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khi chỉ số giá tại cửa nhà máy của nước này tiếp tục sụt giảm mạnh.
Dữ liệu mới công bố ngày 12/5 của Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này trong tháng 4/2020 đã giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn mức giảm 1,5% ghi nhận trong tháng 3/2020 và cao hơn mức dự báo giảm 2,5% của các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Bloomberg. Đây cũng là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ lần giảm 3,4% trong tháng 4/2016.
Chỉ số giá PPI phản ánh mức giá mà các doanh nghiệp sản xuất tại Trung Quốc bán sản phẩm cho các nhà phân phối. Chỉ số giá sản xuất suy giảm sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh định giá của các nhà sản xuất và báo hiệu Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, có thể tiếp tục suy giảm trong những tháng tới; đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng hàng hoá trên toàn cầu đang tiếp tục ở mức yếu khi nhiều nước đang vật lộn với sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Dữ liệu của NBS cũng cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Trung Quốc trong tháng 4/2020 chỉ tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 4,3% ghi nhận trong tháng 3/2020. Đây cũng là mức tăng thấp nhất kể từ lần tăng 3,8% ghi nhận trong tháng 10/2019. Chỉ số giá CPI tại Trung Quốc trong thời gian gần đây bắt đầu có tốc độ tăng chậm lại sau một thời gian dài tăng cao vì giá thịt lợn tăng mạnh khi nước này đối mặt với dịch tả lợn Châu Phi nghiêm trọng.
Việc chỉ số giá PPI tiếp tục giảm và chỉ số giá CPI tăng thấp phản ánh nhu cầu tại Trung Quốc hiện đang ở mức yếu. Trong khi đó, giới chức Trung Quốc hiện kỳ vọng nhu cầu nội địa tại Trung Quốc sẽ phục hồi nhanh chóng nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này vượt qua các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Vào cuối tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết sẽ tung ra các chính sách hỗ trợ kinh tế lớn hơn nhằm giúp nền kinh tế nước này vượt qua các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, các động thái của PBOC gần đây cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang do dự trong việc tung ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ như đã từng làm hồi đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Ông Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại hãng tư vấn kinh tế Capital Economics, nhận định “Thị trường lao động tại Trung Quốc đang suy yếu cùng với đó là sự suy giảm mạnh về nhu cầu hàng hoá – dịch vụ của Trung Quốc từ các quốc gia khác có khả năng sẽ làm giảm lạm phát. Chỉ số giá thực phẩm và năng lượng tại Trung Quốc cũng sẽ suy giảm trong những tháng tới đây và khiến tỷ lệ lạm phát tại đây giảm xuống. Điều này sẽ giúp loại bỏ các lo ngại của PBOC về việc đẩy mạnh nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ khiến lạm phát tăng cao. Nếu tỷ lệ lạm phát giảm sẽ giúp tăng mức lãi suất thực và tạo thêm dư địa (cho PBOC) đẩy mạnh cắt giảm lãi suất hơn nữa”.