Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (mã chứng khoán: KSB – sàn: HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 157 tỷ đồng, giảm 33% so với quý 4/2021. Trong khi đó, giá vốn hàng bán chỉ giảm nhẹ, khiến lợi nhuận gộp của công ty giảm 59% xuống còn 44,6 tỷ đồng. Qua đó, biên lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt 28,3% trong quý 4/2022, so với mức 46,4% trong quý 4/2021.
Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh, lợi nhuận sau thuế của Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương trong quý 4/2022 chỉ đạt 12,4 tỷ đồng, giảm tới 84% so với quý 4/2021. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý thấp nhất của công ty trong lịch sử hoạt động. Đồng thời, chỉ tiêu lợi nhuận cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của KSB chỉ còn đạt 109 đồng.
Luỹ kế cả năm 2022, Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương đạt 859 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 3% so với năm 2021. Áp lực giá vốn hàng bán và chi phí tài chính tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế năm 2022 của công ty chỉ đạt hơn 152 tỷ đồng, giảm gần 40% so với năm 2021. Mức EPS cả năm 2022 đạt 1.432 đồng.
Nếu so sánh với các mục tiêu kinh doanh đã đề ra, công ty chỉ hoàn thành được 71,6% mục tiêu doanh thu và 54% mục tiêu lợi nhuận.
Chi tiết kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương xem tại đây.
Tính đến thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương đạt 4.243 tỷ đồng, tăng 6,5% so với thời điểm đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do các khoản phải thu dài hạn tăng 206% lên 876,4 tỷ đồng; trong đó, khoản đền bù giải phóng mặt bằng chiếm tới gần 830 tỷ đồng. Đối với phần nguồn vốn, nợ phải trả của công ty trong năm 2022 tăng 4,7%, chủ yếu do khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng gần gấp đôi.
Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương là doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng, cụ thể là cung cấp đá xây dựng - sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh, từ vị trí các mỏ đá, đến chất lượng, trữ lượng.
Hiện công ty đang khai thác các mỏ đá Phước Vĩnh (huyện Phú Giáo, Bình Dương), Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương), Thiện Tân 7 (Đồng Nai) và Gò Trường (Thanh Hóa). Vị trí các mỏ đá này đều nằm gần các dự án cao tốc và chất lượng sản phẩm tốt, là điều kiện thuận lợi cho kế hoạch sản xuất kinh doanh của Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương. Nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tiếp theo, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ. Động lực chính đến từ các công trình trọng điểm hạ tầng giao thông.
Với lĩnh vực cho thuê hạ tầng khu công nghiệp, Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương đang thực hiện thủ tục pháp lý để tiến hành mở rộng Khu công nghiệp KSB từ 340 ha lên 553 ha. Công ty cũng đang xúc tiến đầu tư các khu công nghiệp mới tại Đồng Nai, Bình Dương để gia tăng quỹ đất kinh doanh cho những năm tiếp theo.
Kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 30/1, cổ phiếu KSB của Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương được giữ ở tham chiếu, đạt 25.200 đồng/cổ phiếu.