Kỳ vọng mở tour du lịch giếng cổ

Trung tâm quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã 'hồi sinh' những giếng cổ tại Gio An (H.Gio Linh), nơi cổ nhân Chăm từng sắp những tảng đá mồ côi nặng hàng tấn thành hệ thống dẫn nước.

Hệ thống giếng cổ ở Gio An gồm 14 giếng. Theo các nhà sử học, những chiếc giếng này có niên đại ngót 5.000 năm và đã được Bộ VH-TT-DL công nhận di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào năm 2001.

Giếng cổ Gio An
Dòng nước trong veo tại hệ thống giếng cổ Gio An. Ảnh: Nguyễn Phúc

 

Tháng 8/2015, Trung tâm quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã đặt vấn đề cứu vãn hệ thống thủy lợi đặc biệt này, và giếng Đào ở thôn An Nha được lựa chọn đầu tiên để “hồi sinh” với kinh phí chỉ 200 triệu đồng. “Biết là ít, nhưng chúng tôi vẫn cố làm với tinh thần “liệu cơm gắp mắm”, chứ nếu không làm ngay thì giếng Đào sẽ thành giếng chết. Phục dựng giếng cổ là công việc đặc thù khi xếp hàng trăm viên đá mồ côi lại với nhau, máy móc hiện đại không thể can thiệp. Sử dụng xi măng sắt thép thì coi như đi ngược lại với mục đích bảo tồn”, ông Nguyễn Quang Chức, Giám đốc Trung tâm quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị, nhớ lại.

Công ty Vạn Thành, một doanh nghiệp chuyên khai thác, mua bán đá mồ côi ở địa phương đã tham gia. Hàng trăm hòn đá đã được dịch chuyển đến đúng vị trí bằng sức người.

Ngày bàn giao công trình, giếng Đào đã thực sự hồi sinh, với hàng hàng lớp lớp đá xếp ngay ngắn, đặc biệt là dòng nước đã được khơi lại, chảy trong veo. Những năm sau đó, mỗi năm Trung tâm quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị “thắt lưng buộc bụng” dành 200 - 300 triệu đồng (trong khoản kinh phí chừng 1 tỉ đồng chi thường xuyên cho tu bổ, chống xuống cấp và sửa chữa nhỏ các di tích) để tiếp tục phục dựng giếng cổ. Hơn 4 năm, đã có thêm nhiều giếng cổ ở Gio An hồi sinh.

Mở tuyến du lịch giếng cổ là khát vọng của Trung tâm quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị. Ngành văn hóa Quảng Trị cũng đang hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ VH-TT-DL, trình Thủ tướng phê duyệt đưa hệ thống giếng cổ độc đáo này vào danh mục di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Theo ông Chức, hiện ngoài giếng Đào và giếng Trạng, hầu hết các giếng cổ còn lại vẫn chưa mở được đường bê tông đến gần và các công trình phụ trợ thiết yếu. “Để biến nơi đây thành điểm du lịch văn hóa có giá trị thì ngay từ bây giờ chính quyền địa phương phải có quy hoạch đất đai để vừa bảo tồn di tích, vừa khai thác dịch vụ đi kèm, tránh lộn xộn”, ông Chức chia sẻ.

Một tin vui cho tuyến “du lịch giếng” là đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp quan tâm tới hệ thống giếng cổ Gio An và tham quan khảo sát, như Tập đoàn FLC, Công ty Oxalis... “Nếu được xã hội hóa, giếng cổ Gio An sẽ càng được nhiều người chiêm ngưỡng”, ông Chức kỳ vọng.