Theo thông tin phản ánh của người dân, xe ô tô BKS 51C-152.83 dừng đỗ tại địa chỉ: tổ 3, khu phố Xuân Lộc, phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đang vận chuyển bốc xếp hàng hóa là khẩu trang từ cơ sở sản xuất của ông Đoàn Văn Bốn.
Nhận được tin báo, ngày 28/2/2020, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7 - Cục QLTT Bình Phước phối hợp với Công an thành phố Đồng Xoài tiến hành kiểm tra để xác minh. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận trên xe có 13 thùng, mỗi thùng có 50 hộp (1 hộp =50 chiếc) với tổng số 32.500 chiếc khẩu trang y tế nhãn hiệu Hồng Thủy PARAMAX đã được đưa lên chiếc xe tải chuẩn bị vận chuyển đi tiêu thụ.
Người đại diện xưởng sản xuất trên là ông Đoàn Văn Bốn, trú tại TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Ông Bốn không xuất trình được các loại giấy tờ, giấy phép liên quan đến hoạt động sản xuất khẩu trang y tế này.
Mở rộng vụ việc, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra xưởng sản xuất khẩu trang không phép do ông Bốn làm chủ và phát hiện, tạm giữ 148 cuộn vải, bịch dây cột, bao giấy kính và 1 xe ô tô biển số 51C- 152.83. Đoàn kiểm tra đã niêm phong khu vực sản xuất và toàn bộ tang vật, máy móc trong khu vực này.
Tiếp đó, lực lượng kiểm tra tiến hành kiểm tra cửa hàng tạp hóa của gia đình ông Bốn tại phường Tân Phú, TP Đồng Xoài.
Tại đây đã phát hiện có 2 thùng với 5.000 chiếc khẩu trang y tế mang nhãn hiệu Hồng Thủy PARAMAX, 3386 vỏ hộp mang nhãn hiệu MEKOMED, 11 kg giấy màu trắng... để phục vụ sản xuất khẩu trang, tất cả đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Toàn bộ số hàng hóa và máy móc, phương tiện đã bị lực lượng Công an niêm phong, tạm giữ.
Thông tin mới nhất từ Tổng cục QLTT cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, đã xuất hiện những ổ dịch mới tại Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước có quan hệ du lịch, thương mại lớn với Việt Nam.
Ngày 28/2/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19, theo đó sẽ áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% sản lượng dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước).
Sự ra đời của Nghị quyết 20/NQ-CP sẽ góp phần ổn định nguồn cung mặt hàng khẩu trang y tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phòng, chống dịch bệnh của nhân dân.
Do vậy, trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng QLTT tập trung vào các nhiệm vụ kiểm soát ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, vi phạm chất lượng nhằm ổn định thị trường, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân về các trang thiết bị y tế và mặt hàng phục vụ phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT cũng cho biết, lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Tuy nhiên, do nguồn hàng cung cấp còn hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế.
Ngày 1/3/2020, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện 50 vụ kiểm tra, giám sát. Lũy kế từ ngày 31/1 đến ngày 1/3/2020, lực lượng QLTT đã kiểm tra, giám sát 5.467 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 1.6 tỷ đồng.