Theo dữ liệu của S&P Global, giá cho thuê trung bình của các giàn khoan tự nâng hiện nay tại khu vực Đông Nam Á đang dao dộng quanh 142.000 - 148.000 USD/ngày và hiệu suất hoạt động đạt 95,8%. Đây đều là những mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây nhờ tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung giàn khoan trên toàn cầu. Qua đó, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, mã cổ phiếu PVD - sàn HoSE).
Hiện toàn bộ 04 giàn khoan tự nâng của PV Drilling đã có hợp đồng cố định đến hết năm 2025 với giá thuê giàn đạt trung bình khoảng 105.000 USD/ngày, tăng 11% so với mức trung bình của năm nay.
Sau năm 2025, PV Drilling sẽ cân nhắc mang 02 giàn khoan về Việt Nam để phục vụ các chiến dịch khoan trong nước nếu như giá thuê giàn khoan được đưa ra ở mức “hợp lý”, không thấp hơn quá nhiều so với các hợp đồng mà tổng công ty đã ký ở thị trường quốc tế.
Hai giàn khoan còn lại nhiều khả năng sẽ tiếp tục được các đối tác gia hạn thêm hợp đồng đến tận năm 2030 với giá thuê khoảng 105.000 USD - 115.000 USD/ngày, theo Chứng khoán Rồng Việt.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, nguồn cung giàn khoan tự nâng trên toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu tăng lên và nhiều tổ chức uy tín dự báo tình trạng “siết chặt” nguồn cung sẽ kéo dài trong vài năm tới đây. Đồng thời, hiệu suất sử dụng của các giàn khoan tự nâng loại IC 350+ trong 5 tháng đầu năm 2024 trên toàn cầu đạt trung bình 90,7%, tăng mạnh so với mức 78,8% của cùng kỳ năm 2023 và đang tiến gần tới mức 92,9% của năm 2014 - đỉnh của chu kỳ dầu khí gần nhất.
Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng đóng mới giàn khoan/tổng số giàn khoan đang hoạt động (orderbook/fleet) chỉ chiếm 3,9%, thấp hơn rất nhiều so với mức 31,1% của năm 2014. Theo đó, giá cước thuê giàn tự nâng theo đó cũng được kỳ vọng duy trì ở mức cao trong giai đoạn này và hiệu suất sử dụng sẽ ở mức cao kỷ lục trong ít nhất 2 năm tới đây.
Tại thị trường trong nước, dự kiến thị trường khoan nội địa trở nên sôi động trong giai đoạn 2025 - 2027 với loạt dự án nổi bật như: Lô B, Lô 05-1A thuộc bề Nam Côn Sơn, Lô 09-3/12 mỏ Cá Tầm, Lô 15/1-05 mỏ Lạc Đà Vàng và Lô 15/1 mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2B.
Do đó, các giàn khoan của PV Drilling dự kiến sẽ có khối lượng việc làm lớn. Theo Chứng khoán Rồng Việt, những điều kiện thị trường hiện nay giúp PV Drilling duy trì lợi nhuận ổn định đối với mảng dịch vụ khoan trong vòng 5 năm tới đây.
Ngoài ra, từ năm 2026 khi các hoạt động khoan thăm dò đối với “siêu” dự án Lô B được đẩy mạnh, mảng dịch vụ kỹ thuật giếng khoan của PV Drilling được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
Về triển vọng kết quả kinh doanh quý 2/2024, PV Drrilling cho biết, trong quý 2/20024, giàn khoan đất liền PV DRILLING 11 đang tạm ngưng và chờ ký hợp đồng mới dự kiến vào tháng 9/2024 với giá thuê giàn khoảng 23.000 USD - 25.000 USD/ngày.
Tuy nhiên phần doanh thu được bù lại bởi hai giàn thuê ngoài là Hakuryu 11 và BORR-THOR. Giá thuê các giàn này ước tính đạt 110.000 USD/ngày nhưng do là giàn thuê ngoài nên biên lợi nhuận khá thấp, chỉ khoảng 2 - 3%.
Do đó PV Drilling ước tính lợi nhuận quý 2/2024 sẽ tương đương so với quý 1/2024 và cùng kỳ năm ngoái. Trong quý đầu năm nay, tổng công ty ghi nhận mức lãi sau thuế 149 tỷ đồng.
Trong 6 tháng cuối năm nay, lợi nhuận của PV Drilling được kỳ vọng sẽ tăng lên so với nửa đầu năm khi 2 giàn thuê ngoài là Hakuryu 11 và BORR-THOR hoạt động toàn thời gian. Với mức giá thuê giàn cao, biên lợi nhuận gộp mảng dịch vụ khoan của PV Drilling năm nay có thể lên tới 30%, so với mức 22% trong năm 2023.
Qua đó, tiếp tục dẫn dắt lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của PV Drilling năm nay có thể đạt tới 1.098 tỷ đồng, tăng 88% so với năm 2023, theo Chứng khoán Rồng Việt.