Vươn lên Làm chủ công nghệ hiện đại
Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai - Vimico thuộc Tổng Công ty Khoáng sản TKV (Tiền thân là Công ty Luyện đồng Lào Cai - CLC) bắt đầu khởi công từ 2005 và đến tháng 10/2007 kết thúc xây lắp. Nhà máy có nhiệm vụ chủ yếu là tiếp nhận và chế biến sâu tinh quặng đồng từ Nhà máy Tuyển quặng đồng Sin Quyền. L
à Nhà máy luyện đồng đầu tiên và lớn nhất Việt Nam, nhưng do vận hành, sử dụng công nghệ rất mới (Công nghệ hỏa luyện bằng lò Thủy Khẩu Sơn của Luyện đồng Lào Cai lần đầu tiên được áp dụng ở nước ta), nên thời gian đầu (Giai đoạn 2009 - 2010), Nhà máy chỉ sản xuất trên dưới 60% công suất thiết kế. Công nghệ mà Luyện đồng Lào Cai áp dụng tuy tiên tiến nhưng rất phức tạp, đòi hỏi tính đồng bộ và sự chính xác cao. Để sản phẩm đạt tới độ tinh khiết gần như tuyệt đối (99,95% đồng) là rất khó khăn.
Tuy nhiên, với quyết tâm cao, Chi nhánh đã vươn lên nắm bắt và làm chủ công nghệ. Kết quả kiểm nghiệm kỹ thuật, phân tích theo tiêu chuẩn VILAS 182 của Viện cơ khí năng lượng mỏ Việt Nam cho thấy sản phẩm đồng cathode của Nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế với hàm lượng 99,97% đồng, cao hơn so với chỉ tiêu thiết kế là 99,95 Cu.
Hàng năm Luyện đồng Lào Cai sản xuất trên 500 kg vàng, trên 400 kg bạc. Năm 2019, sản lượng sản xuất hầu hết các sản phẩm chính đều tăng, trong đó đồng tấm cathode hàm lượng đồng 99,95% đạt 12.500 tấn, vàng thỏi 99,9% đạt 540 kg, bạc thỏi 500 kg,… tăng 10 đến 15% (so năm 2015) và vượt công suất thiết kế. Trình độ công nghệ của Nhà máy được các chuyên gia ngành luyện kim Thế giới và khu vực đánh giá tương đương mặt bằng chung các nước tiên tiến.
Mở rộng chế biến sâu
Để khai thác lợi thế trên mỏ đồng lớn duy nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, Tổng công ty Khoáng sản - TKV tiếp tục đầu tư mở rộng nâng công suất, xây dựng nhà máy Luyện đồng số 2 tại Bản Qua (Bát Xát). Dự án sử dụng công nghệ luyện đồng tiên tiến, đồng bộ, bảo đảm yêu cầu cao về môi trường,
Với tổng vốn đầu tư trên 3.900 tỷ đồng, dự án sẽ nâng cao năng lực sản xuất cho Luyện đồng Lào Cai từ 10 nghìn tấn lên 30 nghìn tấn đồng/năm thông qua việc xây dựng mới một dây chuyền luyện đồng số 2 công suất 20.096 tấn đồng cathode, 85.410 tấn a-xít H2SO4, 1.395 kg vàng và 616 kg bạc thỏi/năm.
Bên cạnh tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, dự án còn có ý nghĩa đặc biệt trong việc làm chủ công nghệ luyện đồng hiện đại, giúp Việt Nam chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước theo hướng khai thác chế biến sâu khoáng sản, đồng thời là dự án công nghiệp trọng điểm mang tính quyết định tạo giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp của tỉnh Lào Cai.
Theo đại diện Nhà máy, dự kiến, đến hết tháng 3 năm 2020, cơ bản thiết bị của toàn bộ dây chuyền nhà máy phải được tập kết đưa về công trường để triển khai lắp máy, tuy nhiên do tác động của dịch Covid - 19 và những yếu tố khách quan, thiết bị đưa về chậm trễ tác động lớn đến tiến độ dự án. Chủ động gỡ khó, tỉnh Lào Cai, Tổng công ty Khoáng sản - TKV phối hợp chặt chẽ cùng Ban quan lý dự án và các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, mục tiêu đưa vào chạy thử Nhà máy vào cuối quý II đầu quý III và ra sản phẩm cuối quý III đầu quý IV/2021