Dự án nằm trong chuỗi chương trình Tài trợ văn hóa của Tập đoàn Karcher bắt đầu từ năm 1980 giúp bảo tồn các công trình văn hóa, di tích lịch sử, qua đó hướng đến mục tiêu loại bỏ hiện tượng ô nhiễm sinh học trên bề mặt các công trình văn hóa, di tích lịch sử nhờ vào vốn kinh nghiệm, chuyên môn lâu năm cũng như việc sử dụng các máy phun rửa áp lực cao do đội ngũ chuyên gia làm sạch của thương hiệu đảm trách.
Tọa lạc tại quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm và nhiều mưa là một trong những nguyên nhân khiến Cổng Ngọ Môn trở thành nơi hoàn hảo để phát triển các loại tảo, rêu, nấm, vi khuẩn và địa y trên bề mặt, đồng thời tạo điều kiện bén rễ các loại cây cao qua các mối nối và vết nứt tại cổng thành. Với mục tiêu bảo tồn di tích lịch sử quý báu này, Karcher Việt Nam và đội ngũ chuyên gia làm sạch giàu kinh nghiệm đến từ Đức hợp tác cùng HMCC tiến hành sử dụng các máy phun rửa áp lực cao nhằm loại bỏ các hiện tượng ô nhiễm sinh học bám lâu năm trên các bức tường.
Theo đó, phương án này sử dụng công nghệ Hơi nước nóng (steam cleaning) bằng cách sử dụng 1 đầu phun đặc biệt để tạo ra áp lực hơi nước 0.5-1 bar lên bề mặt đá vôi; lúc này, hệ thống gia nhiệt có thể tạo ra hơi nước với nhiệt độ tối đa khoảng 100°C, (nhiệt độ bình 155°C) để loại bỏ hoàn toàn các loại chất bẩn/ ô nhiễm sinh học cũng như tiêu diệt chất bẩn ở dưới bề mặt, cư trú sâu hơn bên trong các lỗ đá nhờ vào nhiệt độ cao của nước nóng. Điều này đồng thời sẽ giúp thời gian phát triển trở lại của các tầng sinh học gây hại trở nên chậm hơn.
Ông Trần Trọng Hải - Tổng Giám Đốc Karcher Việt Nam chia sẻ, “Cổng Ngọ Môn, Đại nội Huế là một di tích lịch sử gắn liền với đất cố đô Huế đã bao đời nay. Tuy nhiên, do đã tồn tại bền vững gần 200 năm, di tích hiện tại cũng đang trong tình trạng bị tổn hại do các chất bẩn, ô nhiễm cũng như sự phát triển sinh học khác như rêu mốc, cây con xâm lấn, làm mất đi giá trị thẩm mỹ vốn có. Do đó, chúng tôi tin rằng việc thực hiện các phương pháp phục hồi là hết sức cần thiết trong thời điểm này để có thể bảo tồn Ngọ Môn, một hình ảnh tiêu biểu thuộc Quần thể di tích cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới”.
“Tôi rất tự hào khi có thể hợp tác cùng HMCC thực hiện dự án vô cùng ý nghĩa này. Với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực làm sạch, Karcher luôn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn HMCC nói riêng cũng như các tổ chức khác để đưa ra các giải pháp làm sạch phù hợp với từng trường hợp cụ thể, cho dù là công tác bảo tồn di tích hay các hoạt động khác liên quan đến vấn đề vệ sinh và an toàn cho du khách tại các điểm tham quan trên cả nước. Karcher sẽ luôn có một khoản ngân sách hằng năm nhằm phục vụ cho các hoạt động hỗ trợ văn hóa tương tự tại Việt Nam, để từ đó góp phần nâng cao nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng địa phương đối với công tác bảo tồn Di sản Văn hóa Huế nói riêng và các di sản khác trên cả nước nói chung”, ông Trần Trọng Hải nhấn mạnh.
Dự án làm sạch Cổng Ngọ Môn, Đại nội Huế nằm trong chương trình Tài trợ văn hóa của Tập đoàn Karcher từ năm 1980 và đến nay đã có hơn 100 dự án làm sạch được Karcher thực hiện trên toàn thế giới. Chương trình nhằm hỗ trợ miễn phí việc làm sạch cho các công trình có tính biểu tượng văn hóa, di tích lịch sử trên cả 5 châu lục, trong đó tiêu biểu là dự án làm sạch tượng Chúa Cứu Thế tại Rio De Janeiro, Brazil, Núi Rushmore – Khu tưởng niệm quốc gia, Mỹ, Hàng cột trên Quảng trường St Peter-Thành phố Vatican, cầu Nihonbashi, Nhật Bản v.v… Dự án làm sạch Cổng Ngọ Môn, Đại nội Huế không những góp phần tôn tạo cảnh quan và không gian di sản hoàn chỉnh trong Quần thể Di tích Cố đô Huế, tạo ra một điểm nhấn mới thu hút khách tham quan, mà còn thể hiện cam kết của Karcher trong việc hỗ trợ bảo tồn các di sản văn hóa lâu đời tại Việt Nam.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ: “Chúng tôi rất trân trọng những đóng góp của Karcher trong việc bảo tồn và phục hồi nguyên trạng Cổng Ngọ Môn, Đại nội Huế, đặc biệt là những đóng góp của đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm của Karcher. Đây là một dự án vô cùng ý nghĩa khi có thể giúp bảo tồn những công trình di tích lịch sử, đồng thời giữ lại giá trị nghệ thuật vốn đã rất lâu đời của một trong những di tích kiến trúc thời Nguyễn trong Quần thể di tích cố đô Huế”.