Ngạt khói nguy hiểm như thế nào?
Ngạt khói là một trong những lý do chính khiến nhiều người thiệt mạng trong các vụ hỏa hoạn do hít phải nhiều khí độc CO2, CO, amoniac, axit hữu cơ… trong đó, CO2 và CO là nguyên nhân chính gây tử vong.
Khí CO và CO2 là hai loại khí độc, đều không mùi, không màu, không vị nhưng hấp thu nhanh trong cơ thể. Khí này ngăn chặn quá trình vận chuyển oxy vào máu, ngăn cản sự chuyển hóa hô hấp của tế bào, đặc biệt các tế bào có chế độ chuyển hóa hô hấp mạnh như não, tim…
CO là kẻ sát nhân thầm lặng, ở mức độ nhẹ, người bệnh bị đau đầu, buồn nôn, nôn ói, hoa mắt, khó thở. Ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người...
Khi hít phải quá nhiều loại khí này, nạn nhân có thể bị ngộ độc cấp tính. Ngoài ra, các loại khí này cũng khiến cơ thể tiêu hao nhiều thể lực vì thiếu oxy, do đó nạn nhân chết trong các vụ cháy phần nhiều là do cố gắng vùng vẫy trong cơn hoảng loạn, làm cho ngộ độc ập đến nhanh chóng.
Khí CO từ các đám cháy không chỉ gây nguy hiểm cho các nạn nhân trực tiếp mà còn phát tán ra không khí, ảnh hưởng người xung quanh. Ngoài ra, một số đám cháy còn sinh ra khí HCN, photgen... rất độc với con người. Nếu không phát hiện, khí CO còn ngấm vào máu, gây tổn thương các cơ quan như hủy cơ, suy thận, suy gan.
Kỹ năng tránh ngạt khói khi xảy ra cháy nổ
Khi xảy ra cháy nổ, không gian của đám cháy thường chia làm 2 vùng cơ bản. Vùng thứ nhất là vùng không khí trên cao, sát trần nhà có nhiều khói và khí độc. Vùng thứ hai là vùng gần dưới sàn và đây cũng là vùng không khí có chứa ít khí độc hơn.
Do không hiểu rõ được kiến thức cơ bản này kết hợp với tâm trí hoảng loạn nên nhiều nạn nhân thường mất bình tĩnh, vội vàng chạy trong tư thế đứng và tiếp xúc với nhiều vùng không khí trên cao – chính là vùng không khí có chứa nhiều khí độc hơn. Nếu hít phải khí độc Cacbon monoxit với nồng độ cao, nạn nhân có thể tử vong rất nhanh chóng(chỉ từ 5 đến 10 phút sau).
Một yếu tố quan trọng để con người sống sót khi hỏa hoạn xảy ra là phải thật sự bình tĩnh và nhanh nhẹn thực hiện theo đúng phương pháp, kỹ năng thoát nạn.
Trong trường hợp bị mắc kẹt trong phòng, hãy đóng các cửa lại để ngăn khói bay vào. Bịt khoảng trống xung quanh khung cửa và quạt thông gió bằng vải ướt hoặc băng dính.
Để hạn chế hít phải khí độc khi xảy ra hỏa hoạn, bạn nên thấm ướt khăn, giẻ rồi che kín mặt, mũi để hạn chế hít phải khí độc. Cách này giúp duy trì sự sống, hạn chế ngạt khí trong thời gian đợi người cứu hộ. Bạn có thể đeo mặt nạ chống độc (nếu có). Nếu xác định vượt qua lửa thì cần trùm chăn hoặc vải ướt lên người, tránh lửa bén vào quần áo gây bỏng.
Có thể dùng tấm đệm gác lên cửa sổ hoặc ban công, tưới nước ướt tấm đệm, tạo thành cái mái để khói di chuyển lên trên, còn mình trú bên dưới tấm đệm, giúp hạn chế hít khói độc.
Khói sinh ra luôn có xu hướng bay lên trên, không khí sạch ở phía dưới do vậy khi lượng khói phát sinh nhiều, người thoát nạn phải hạ người xuống sàn, khuỵu hai tay và đầu gối, cúi khom người, quỳ, bò hoặc trườn ra khỏi đám cháy. Do khói và khí bốc lên trên, nên bạn sẽ ít hít thở chúng hơn nếu ở gần mặt đất.
Khi di chuyển, nếu không nhìn thấy đường đi thì nên men theo tường, dùng tay để định hướng lối ra để tránh bị cấu kiện sụp đổ, tránh bị đám đông dẫm đạp và tìm thấy các cửa thoát hiểm.
Trước khi mở các cửa cần kiểm tra nhiệt độ của tay nắm cửa nếu tay nắm cửa nóng thì không nên mở cửa vì bên kia đang có cháy, nếu không thì phải mở từ từ và lợi dụng cánh cửa để che chắn khói khí độc vào người.
Xác định khu vực an toàn và khu vực cháy, tuyệt đối không thoát ra bằng lối cầu thang hay trốn vào nhà vệ sinh. Tuyệt đối không trốn trong không gian kín, bởi nguy cơ ngạt khí cao và khiến tử vong nhanh hơn.
Trong trường hợp không thể tìm một lối thoát an toàn, bạn có thể thoát ra thật cẩn thận từ cửa sổ, ban công hay mái nhà bên cạnh. Trong trường hợp nhà ở tầng thấp, bạn có thể tìm cách nhảy xuống dưới đất bằng cách nối các loại chăn mỏng thành dây dài. Lưu ý, nếu có thể, trước khi nhảy bạn hãy quăng gối, mền hoặc các vật dụng khác xuống nền tiếp đất để giảm chấn thương. Không nên nhảy từ tầng quá cao xuống đất nếu không có sự cho phép và hướng dẫn của lực lượng cứu hộ.
Lưu ý: Nạn nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm đến sức khỏe do ngộ độc khí hoặc ngạt khói mặc dù đã thoát khỏi đám cháy. Chính vì thế, sau khi đã thoát khỏi đám cháy, vẫn nên nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và cấp cứu.
Ngoài ra, để phòng ngừa ngộ độc khí, hơi, khói độc, không nên để xe ô tô hoặc xe máy đang còn nổ máy trong nhà, trong gara ngay cả khi đang mở cửa; không đặt máy phát điện trong nhà; không đốt than, củi trong nhà khi đóng kín cửa; không sử dụng thiết bị đốt khí gas trong phòng kín hoặc phòng ngủ…