HIV là tên của loại vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, và AIDS là giai đoạn cuối của nhiễm HIV, khi cơ thể mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội do vi rút HIV gây ra hay còn gọi là bệnh AIDS. Đến nay vi rút HIV và bệnh AIDS chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên người đã nhiễm HIV phải sống chung với vi rút suốt đời. Hằng ngày phải sử dụng thuốc ARV để ức chế sự phát triển của vi rút, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội do vi rút HIV gây ra và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Thông thường người nhiễm vi rút HIV có sức đề kháng thấp hơn so với người bình thường, chính vi vậy mà nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cũng sẽ cao hơn so với những người khác. Chính vì vậy bản thân người nhiễm HIV cần phải cảnh giác cao hơn so với người bình thường để chủ động đề phòng dịch bệnh COVID-19 cho bản thân mình và phòng lây nhiễm HIV cho những người xung quanh.
Bác sĩ Hoàng Thị Đặng, Trưởng khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tình trạng nhiễm HIV được phát hiện càng muộn thì nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác sẽ càng cao hơn. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc hạn chế đến những nơi công cộng, đông người đã làm cản trở người dân đến các cơ sở y tế, với mong muốn thực hiện xét nghiệm HIV để sớm biết được tình trạng nhiễm HIV của mình.
Ngoài ra cũng có thể làm gián đoạn các hoạt động can thiệp giảm tác hại đối với người nhiễm HIV, không những khiến cho hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yết, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi rút HIV cho người khác.
HIV mặc dù nguy hiểm xong mỗi người chúng ta đều có thể tự phòng tránh được cho mình từ các đường lây truyền của vi rút HIV. Vi rút HIV lây truyền từ người này sang người khác qua 3 con đường là: đường máu, đường quan hệ tình dục không an toàn và đường lây từ mẹ sang con. Từ 3 con đường này các chuyên gia về y tế đã chỉ ra biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV cụ thể như sau:
Đối với đường máu thì không dùng chung bơm kim tiêm, dụng cụ dùng thuốc hoặc các vật sắc nhọn để xuyên chính qua da;
Đối với đường tính dục không an toàn thì thực hiện chung thủy một vợ một chồng, sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục và thực hiện hành vi tình dục an toàn;
Đối với đường lây truyền mẹ sang con, người phụ nữ trước khi mang thai cần thực hiện xét nghiệm HIV. Khi đã nhiễm HIV mà muốn sinh con thì người phụ nữ cần sử dụng thuốc điều trị từ trước khi mang thai và thực hiện các hoạt động can thiệp giảm tác hại trong quá trình mang thai, sinh con và cho con bú để giảm tối đa tình trạng lây nhiễm HIV cho con từ người mẹ.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn, tính đến hết tháng 10 năm 2021 lũy tích trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 3.073 người nhiễm HIV. Trong đó 2.862 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 2.135 người tử vong do AIDS và các bệnh liên quan. Số nhiễm HIV còn sống hiện tại là 938 người, trong đó đang điều trị thuốc ức chế vi rút (ARV) là 760 người.
Trong năm 2019, phát hiện mới 53 trường hợp dương tính trong tổng số mẫu xét nghiệm là 32.836 mẫu. Trong đó 35 trường hợp được đưa vào quản lý. Năm 2020 phát hiện mới 47 trường hợp dương tính trong tổng số mẫu xét nghiệm là 39.996 mẫu. Trong đó 36 trường hợp đưa vào quản lý.
Tính đến hết tháng 10/2021 trên địa bàn toàn tỉnh chỉ phát hiện 15 trường hợp dương tính trong tổng số mẫu xét nghiệm là 24.212 mẫu, giảm cả về số lượng phát hiện sớm và số lượng mẫu xét nghiệm HIV được thực hiện so với hai năm trước đây. Điều đó chứng tỏ tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng có những ảnh hưởng nhất định trong công tác phòng chống HIV trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khôn lường. trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng như trên địa bàn cả nước và thế giới, mỗi tổ chức, các nhân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình vì sức khỏe cộng đồng, tham gia tích cực các hoạt động phòng chống HIV/AIDS của địa phương.
Đặc biệt là tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi, kịp thời phát hiện sớm phát hiện các trường hợp nhiễm HIV mới và đảm bảo 100% trường hợp nhiễm HIV đều được điều trị ARV cũng như các hoạt động can thiệp giảm tác hại khác để từng bước hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Ngày 16/11/2021 Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc tỉnh Lạng Sơn (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138) ban hành Kế hoạch số 172/KH-BCĐ Triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021.
Mục tiêu nhằm tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, nhất là trong bối cảnh dịchCOVID-19 tác động nhiều mặt lên đời sống xã hội. Chủ để “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.
Kế hoạch đề ra 05 nhóm các hoạt động chủ yếu gồm: (1) Ban hành văn bản hướng dẫn chỉ đạo; (2) Đẩy mạnh triển khai các hoạt động truyền thông đại chúng và truyền thông qua mạng xã hộ; (3) Cung cấp thông tin cho các phóng viên báo chí, cộng tác viên về công tác phòng, chống HIV/AIDS; (4) Tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo chuyên môn và khoa học về HIV/AIDS theo hình thức trực tuyến hoặc trực tuyến kết hợp với trực tiếp; (5) Triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác. Đồng thời giao trách nhiệm tổ chức thực hiện cho các cơ quan, đơn vị.