Giống như mọi làng quê yên bình khác, nơi đây cũng có những hộ gia đình thuần nông, gắn bó với ruộng đồng và chăm chỉ làm việc mỗi ngày. Tuy nhiên, điều đặc biệt của ngôi làng này chính là ở chỗ mọi công việc đồng áng đều sẽ do một tay những "đấng mày râu" đảm nhiệm.
Trong khi đó những người phụ nữ trong nhà chỉ cần chuẩn bị nông cụ, hoặc ra đồng để đưa cơm cho chồng mà thôi.
Phụ nữ làng Công Lương chẳng bao giờ phải ra đồng làm những công việc chân lấm tay bùn. Lí do không phải vì phụ nữ ở đây lười nhác không muốn ra đồng phụ giúp chồng mà vì đàn ông trong làng rất thương yêu vợ, họ không muốn vợ mình phải làm những công việc đồng áng nặng nhọc.
Từ khi sinh ra, lớn lên tới tận lúc gả chồng, họ không phải ra đồng làm ruộng, bán mặt cho đất bán lưng cho trời như phụ nữ ở nhiều nơi. Tất cả mọi công việc ruộng đồng đều do cánh mày râu chăm lo. Phụ nữ trong làng ngoài chuyện sinh con thì chỉ việc ở nhà lo cơm nước, chăn nuôi lợn gà, nuôi dạy con cái và làm những công việc nhẹ. Ở một số gia đình, việc bếp núc cũng được những người đàn ông trong nhà tranh làm, bởi họ không muốn vợ con mình phải vất vả.
Khi được hỏi về những đấng nam nhi trong làng, hầu hết phụ nữ nơi đây đều có chung nhận xét, đó đều là những người chồng, người cha hết sức mẫu mực. Họ ít khi rượu chè, rất chăm chỉ làm ăn và đặc biệt là... rất thương vợ!
Có thể thấy, thương vợ là điều hiển nhiên với mỗi người đàn ông sống ở làng Công Lương. Với họ, việc được chăm sóc, đỡ đần cho vợ con mình, giúp đỡ vợ con làm việc nặng nhọc đã trở thành thói quen, chẳng nề hà việc khó, việc nặng, miễn là để cho vợ con được an nhàn, thảnh thơi là họ đã cảm thấy vô cùng vui vẻ.
Trưởng thôn cho biết làng có vài trăm hộ dân, tuy nhiên chưa bao giờ các gia đình xảy ra cãi vã, xích mích gì với nhau. Các cặp vợ chồng đều rất hạnh phúc, yêu thương nhau hết mực. Đặc biệt hơn nữa là từ khi làng được thành lập cho tới nay, chưa bao giờ có chuyện chồng "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" với vợ hay chuyện các cặp đôi viết đơn đòi ly hôn.
Không chỉ có những công việc đồng áng, bất kể công việc nặng nhọc nào người đàn ông cũng tranh làm thay vợ. Cứ thế theo thời gian câu nói “Công Lương –Thương vợ” đã trở thành một thương hiệu riêng của ngôi làng nhỏ này.