Sáng 12/10/2022, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ vinh danh 60 Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam 2022. Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ ban ngành của Trung ương và địa phương.
Đây là hoạt động nằm trong dịp kỷ niệm 77 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới Công thương và kỷ niệm 18 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2022). Cũng là dịp để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khát khao cống hiến của các thế hệ doanh nhân Việt Nam, vinh danh các doanh nhân tiêu biểu trên cả nước, tạo cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, đồng hành cùng phát triển dân tộc.
Bà Đỗ Nguyệt Ánh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã vinh dự được vinh danh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022.
Danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân. Các doanh nhân tiêu biểu được bình chọn đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước và trở thành tấm gương truyền lửa cho các thế hệ doanh nhân, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh.
Trong đó, việc phong tặng Doanh nhân tiêu biểu năm 2022 được đề cao Đạo đức doanh nhân là tiêu chí hàng đầu những doanh nhân được vinh danh sẽ là những người không chỉ kinh doanh giỏi, mà phải có đạo đức, văn hóa kinh doanh, được xã hội trân trọng.
Tất cả 60 doanh nhân được trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022" đều có quá trình lập nghiệp đáng ngưỡng mộ, thể hiện bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo vượt khó vươn lên, tinh thần tự hào dân tộc.
Nằm trong số 60 Doanh nhân được tôn vinh Doanh nhân tiêu biểu của cả nước, và là nhà Lãnh đạo duy nhất của ngành Điện được vinh danh năm nay, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc bà Đỗ Nguyệt Ánh đã được ghi nhận về những đóng góp tích cực, tiêu biểu khi điều hành và lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc - một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh kinh doanh và phân phối điện năng trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc, thực hiện tốt vai trò chủ đạo của ngành kinh tế mũi nhọn với nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia.
Theo đó, Tổng công ty Điện lực miền Bắc là doanh nghiệp kinh doanh điện năng phục vụ và đảm bảo công tác KD&DVKH đối với gần 11 triệu khách hàng trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc. Là Tổng công ty có tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm và doanh thu cao nhất trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Song song với công tác kinh doanh và phân phối điện năng, công tác an sinh xã hội và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng được Tổng công ty thực hiện thường xuyên, trong giai đoạn từ năm 2017 đến tháng 6/2022 thông qua các nguồn quỹ Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã quyên góp ủng hộ hoạt động an sinh xã hội với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Là người đứng đầu Tổng công ty Điện lực miền Bắc, bà Đỗ Nguyệt Ánh luôn đề cao 6 nhiệm vụ của một doanh nhân đó là: Quy tắc “Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội”; Quy tắc “Tuân thủ pháp luật”; Quy tắc “Minh bạch, công bằng, liêm chính”; Quy tắc “Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển”; Quy tắc “Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường”; Quy tắc “Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình”.
Việc bình chọn và vinh danh doanh nhân năm nay được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức bình xét và trao danh hiệu đúng Ngày Doanh nhân Việt Nam và 60 Doanh nhân được chọn lựa là những gương mặt thật sự tiêu biểu. VCCI hy vọng và tin tưởng những người được trao tặng danh hiệu sẽ trở thành những tấm gương lan tỏa đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam: trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và văn hóa, đạo đức người kinh doanh; hoạt động SXKD tuân thủ pháp luật, quy định của Nhà nước; thể hiện mạnh mẽ vai trò xung kích, chiến sĩ đi đầu trên mặt trận phát triển KTXH, tăng cường kết nối, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi số quốc gia, ứng phó biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, tận dụng sự phục hồi mạnh mẽ thị trường trong nước, đồng thời mở rộng tìm kiếm thị trường quốc tế; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; không ngừng đổi mới, sáng tạo để xây dựng thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh; Bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động.
Đồng thời đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.