Tại lễ ký kết, ông Trần Duy Hy - Chủ tịch HĐQT Công ty Duytan Recycling nhấn mạnh, ngày nay, giá trị của một sản phẩm không chỉ được đánh giá đơn thuần qua chất lượng tốt, bao bì đẹp mà nó còn gắn liền với các yếu tố môi trường và trách nhiệm xã hội.
Theo số liệu thống kê năm 2022 của World Bank, ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra trên đất liền mỗi năm ở Việt Nam. Ít nhất 10% trong số rác thải nhựa bị rò rỉ vào đường thủy, khiến Việt Nam trở thành 1 trong 5 quốc gia gây ô nhiễm nhựa hàng đầu của các đại dương trên thế giới.
Đánh giá về chương trình hợp tác thu gom và tái chế rác thải nhựa của Duytan Recycling và Lavie, ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam (VWRA) cho biết, tái chế nhựa không chỉ là cơ hội kinh doanh hay giá trị kinh tế mà còn thể hiện trách nhiệm của ngành với môi trường và xã hội. Mỗi chai nước sau khi được sử dụng xong sẽ quay lại nhà máy tái chế sẽ góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm.
Mỗi năm, Việt Nam phải chi khoảng 10 tỷ USD để nhập khẩu nhựa nguyên liệu. Việc tái chế rác thải nhựa sẽ góp phần hạn chế nhập khẩu nhựa nguyên liệu.
LaVie là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành đồ uống và thực phẩm ký thỏa thuận hợp tác với Duytan Recycling để thực hiện mục tiêu thu gom và tái chế rác thải nhựa. Điều này góp phần hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn của thương hiệu LaVie.
Từ tháng 8/2020 - tháng 9/2023, Duytan Recycling đã thu gom và xử lý 3,66 tỷ chai nhựa các loại, tương đương 36.600 tấn rác thải nhựa. Áp dụng công nghệ tái chế "bottle - to - bottle" (từ chai nhựa đến chai nhựa), chai nhựa đã qua sử dụng được thu gom về nhà máy, sau đó được phân loại và xử lý, chế biến thành các hạt nhựa tái sinh. Hạt nhựa tái sinh trở thành nguyên liệu đầu vào để sản xuất chai nhựa mới. Sản phẩm hạt nhựa tái sinh này đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ và EU, Global Recycled Standard và nhiều chứng nhận khác về sản phẩm nhựa dùng trong thực phẩm.