Để trả lời những câu hỏi này, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện 4 nhóm giải pháp kiểm soát cho công tác thủ tục hành chính. Đó là:
- Đặt ra một số tiêu chí để làm căn cứ kiểm soát ngay từ khi xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật;
- Thực hiện rà soát thường xuyên các quy định thủ tục hành chính theo chuyên đề;
- Nỗ lực triển khai hiện đại hóa các dịch vụ công, hàng năm nâng dần số lượng dịch vụ công lên cấp độ 3, cấp độ 4;
- Tổ chức khảo sát tại các địa phương, tăng cường lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp.
Những tiêu chí được hướng tới cho công tác cải cách thủ tục hành chính trong ngành Công Thương, đó là: đơn giản hóa, minh bạch hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa thủ tục hành chính.Để thực hiện các tiêu chí trên, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm tra kiểm soát thủ tục hành chính, trong đó có việc thường xuyên tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp về các quy định và thủ tục hành chính.
Kết quả cải cách thủ tục hành chính: Năm 2015 bãi bỏ 30 thủ tục; đơn giản hóa 57 thủ tục (tương đương 24% thủ tục hành chính). Trên cơ sở bãi bỏ, cắt giảm đó đã giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 4.321.800.000 đồng/năm (không tính chi phí cơ hội). Năm 2016, bãi bỏ 6 thủ tục hành chính liên quan đến nhóm thủ tục của lĩnh vực thương mại điện tử; đơn giản hóa 33 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực.
Mặc dù đánh giá công tác kiểm soát thủ tục hành chính trong Ngành đã đạt được những kết quả nhất định, Bộ Công Thương cũng cho rằng, hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc hiện hữu trong các quy định, đặc biệt là các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính. Trong nỗ lực chung của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Bộ Công Thương tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật trong quản lý nhà nước ngành Công Thương.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng trong số 447 thủ tục hành chính Bộ Công Thương hiện đang quản lý nhà nước và kiểm soát, không phải không có những vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không sợ thủ tục, mà chỉ sợ thủ tục không minh bạch, chuẩn hóa. Vì vậy, có thể có cách hiểu khác nhau và áp dụng khác nhau, gây nhũng nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.
Đây là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị:
Luật sư Trương Thanh Đức - Thành viên tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp,
Luật Đầu tư, Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các Nhà Quản
trị Doanh nghiệp Việt Nam:
Trước đây, chính sách có thể có lý, Bộ Công Thương, đúng nhưng đến thời điểm này không còn đúng nữa, cần phải xem lại. Đó là một loạt chính sách do Bộ soạn thảo, trong đó có những yêu cầu đòi hỏi quá cao, quá nhiều quy mô kinh doanh. Chẳng hạn như Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, chỉ dành cho một vài doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp khác khó giành được “suất” này khi phải có cầu cảng chuyên dụng quốc tế của Việt Nam bảo đảm tiếp nhận tàu chở dầu có trọng tải tối thiểu 7.000 tấn, kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu tối thiểu 15.000 m3, có vốn sở hữu hoặc đồng sở hữu góp vốn tối thiểu 51% đối với hệ thống kho đủ đáp ứng tối thiểu 10 ngày cung ứng; cảng, kho, phương tiện đều thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu của doanh nghiệp... Những quy định trên rất bất hợp lý về thực tế, về cơ sở khoa học. Trước đây có thể đúng như giờ sai, trước có thể hợp pháp nhưng giờ trái Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Nếu duy trì những chính sách này, thì không thể không đặt ra những câu hỏi nghi ngờ về chính sách: Các doanh nghiệp lớn liệu có muốn tiêu diệt doanh nghiệp nhỏ không? Hỗ trợ hay loại bỏ doanh nghiệp nhỏ? Thương nhân liệu có là nạn nhân của chính sách hay không? Chính phủ kiến tạo phải bỏ rào cản, xin cơ quan lập chính sách đừng giết doanh nghiệp bằng chính sách, mà phải bằng thị trường, cạnh tranh, khách hàng, chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Thùy Trang - Đại diện cho doanh nghiệp kinh doanh gas tại tỉnh Khánh Hòa:Các quy định về thủ tục của Bộ Công Thương về lĩnh vực này đang quy định luẩn quẩn, mâu thuẫn, đánh đố doanh nghiệp, đó là nếu doanh nghiệp muốn được làm tổng đại lý kinh doanh gas thì phải có cửa hàng bán gas, nhưng để có cửa hàng bán gas thì lại phải có đủ điều kiện làm tổng đại lý. Điều này khi áp dụng vào thực tiễn đang rất bất cập và kiến nghị Bộ Công Thương nên xem xét, điều chỉnh.
Ông Trần Trung Nhật - Đại diện cho doanh nghiệp kinh doanh gas tại tỉnh Tây Ninh:Để được trở thành thương nhân phân phối khí doanh
nghiệp kinh doanh gas phải có 100.000 vỏ bình và bồn chứa dung tích tối thiểu
300 m3, 20 đại lý được sở Công Thương tỉnh cấp phép mới đủ
hồ sơ để được Bộ Công Thương cấp giấy phép. Nhưng ngược lại, sở Công Thương
tỉnh yêu cầu 20 đại lý đó phải được thương nhân phân phối khí ký hợp đồng thì
mới cấp giấy là đại lý. Cho nên bây giờ tôi không biết xin giấy nào trước.
Trước giấy phép thương nhân phân phối khí đối với thương nhân là không có, giờ đẻ
thêm giấy phép này. Các điều kiện đầu tư kinh doanh mâu thuẫn nhau, khó hiểu,
không thực tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp suốt ngày phải đi đối
phó chính sách khổ lắm. Chính sách phải ổn định, thông thoáng, minh bạch, đơn
giản, dễ hiểu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện theo đúng tinh thần Nhà
nước kiến tạo.
Bộ Công Thương không nên đưa ra quy định cứng nhắc là phải có bao nhiêu vỏ bình gas thì mới được kinh doanh mặt hàng này, mà phải dựa vào dân số địa phương. Bộ Công Thương nên xem xét và áp dụng con số sao cho phù hợp với địa phương, chứ không nên áp trần một con số cho chung cả nước. Làm được như vậy thì mới sát với thực tiễn và các thủ tục mới đi vào thực tiễn, giảm áp lực cho doanh nghiệp và người dân.
Ông Phạm Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam:Nếu Bộ Công Thương thấy rằng việc kinh doanh gas cần phải dồn vào một số đầu mối thì cũng cho biết để các doanh nghiệp nhỏ biết được có nên kinh doanh hay không? Còn nếu ngành nghề kinh doanh gas là ngành nghề kinh doanh theo thị trường thì hãy để các doanh nghiệp kinh doanh gas vừa và nhỏ kinh doanh đúng theo kinh tế thị trường. Trong Nghị định 19, tôi thấy có vấn đề bất cập, đó là đưa định tính, định lượng vào. Những doanh nghiệp hiện nay đang kinh doanh với mức độ theo kinh tế thị trường là ở địa bàn nào, cầu bao nhiêu thì cung bấy nhiêu, chứ đầu tư lớn như vậy gây lãng phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, Nghị định 19 có hiệu lực từ ngày 15/5/2016, căn cứ vào đó, các sở Công Thương đang gây khó khăn cho các đơn vị kinh doanh.
Đáp lại bức xúc của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định: Không có chuyện những người làm chính sách đang cố tình giết doanh nghiệp nhỏ, bảo vệ doanh nghiệp lớn. Tâm của người soạn thảo văn bản không bao giờ có ý gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng họ còn thiên về mục tiêu quản lý nhiều hơn là tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Bộ sẽ cân bằng lại để làm sao hài hòa tất cả các mục tiêu. Bộ cũng đã thành lập các nhóm sẵn sàng tiếp nhận ý kiến của các doanh nghiệp. “Có thể người ta xây dựng pháp luật theo triết lý của ngành ngày hôm qua mà chưa kịp thay đổi cho hôm nay. Chúng tôi đang ở đây lắng nghe để sẵn sàng thay đổi, không nói suông. Vì nếu nói suông chúng tôi đã không tổ chức một hội nghị như thế này” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Những thông điệp thống thiết từ hội
nghị có vẻ như khá nặng lời với Bộ Công Thương. Nhưng mục tiêu mà Bộ Công
Thương tổ chức Hội nghị như vậy là để lắng nghe, để lấy ý kiến của người dân, doanh
nghiệp về các thủ tục hành chính của Bộ. Đây là động thái tích cực,
dân chủ của ngành Công Thương. Chính điều đó khiến cho các doanh nghiệp có cơ
hội để nói, tạo động lực để họ cảm thấy được quyền cởi mở hơn, thẳng thắn hơn. Một
hội nghị tự tổ chức để mở ra diễn đàn cho rất nhiều doanh nghiệp "tố" mình, để
moi móc ra những khó khăn và những điểm chưa được.