Lộ diện người giải cứu cổ đông HPX - Đầu tư Hải Phát sau chuỗi ngày giảm sàn liên tục

Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (mã cổ phiếu HPX) vừa công bố thông tin về một cá nhân mới trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này ngay sau khi cổ phiếu HPX bị đình chỉ giao dịch từ ngày 18/9/2023.
Cổ phiếu HPX Đầu tư Hải Phát
Nhóm cổ đông mới hiện chi phối đến 28,08% vốn điều lệ của Đầu tư Hải Phát.

Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (mã cổ phiếu HPX - sàn HoSE) vừa có thông báo về việc một cá nhân mới trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp bất động sản này. Cụ thể, trong ngày 14/9, ông Hoàng Văn Toàn đã mua vào thêm 49,6 triệu cổ phiếu HPX. Sau giao dịch ông Hoàng Văn Toàn nắm giữ 50,32 triệu cổ phiếu HPX, tương ứng 16,54% vốn điều lệ của Đầu tư Hải Phát.

Đóng cửa thị trường ngày 14/9, cổ phiếu HPX đạt 5.480 đồng/cổ phiếu. Tạm ước tính theo mức giá này ông Hoàng Văn Toàn có thể phải chi khoảng 272 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn của Đầu tư Hải Phát.

Đáng chú ý, ngày 14/9 cũng là ngày ghi nhận khối lượng giao dịch đột biến của cổ phiếu HPX với 84,18 triệu cổ phiếu được sang tay, sau 4 ngày cổ phiếu này rơi vào tình trạng “trắng bên mua” khi Sở Giao dịch TP.Hồ Chí Minh quyết định đình chỉ giao dịch cổ phiếu HPX kể từ ngày 18/9/2023 do các vi phạm của Đầu tư Hải Phát đối với quy chế niêm yết. Như vậy, riêng giao dịch của ông Hoàng Văn Toàn đã chiếm gần 59% tổng giao dịch của cổ phiếu HPX vào ngày 14/9.

Bên cạnh đó, dữ liệu cho thấy, không chỉ ông Hoàng Văn Toàn mà còn có một nhóm cổ đông lớn khác liên quan đến ông Hoàng Văn Toàn, gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Toàn Tín Phát do ông Hoàng Văn Toàn là người đại diện pháp luật; bà Hoàng Thị Ý, bà Hoàng Thị Như - cả hai đều là chị gái của ông Hoàng Văn Toàn; và ông Nguyễn Việt Dũng – anh rể của ông Hoàng Văn Toàn. Nhóm cổ đông này đang nắm giữ 35,12 triệu cổ phiếu HPX, tương ứng 11,54% vốn điều lệ của Đầu tư Hải Phát.

Như vậy, ông Nguyễn Văn Toàn và những người có liên quan đang chi phối tổng cộng 28,08% vốn điều lệ của Đầu tư Hải Phát. Trong khi đó, ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch HĐQT Đầu tư Hải Phát hiện chỉ còn sở hữu 13,43% vốn điều lệ của công ty sau khi bị bán giải chấp lượng lớn cổ phiếu trong tuần trước.

Đầu tư Hải Phát
Ảnh chụp màn hình website Công ty Cổ phần Đầu tư Toàn Tín Phát.

Theo tìm hiểu của Tạp chí Công Thương, Công ty Cổ phần Đầu tư Toàn Tín Phát được thành lập vào năm 2021 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trụ sở tại Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội. Theo giới thiệu trên website của công ty này, Đầu tư Toàn Tín Phát hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; môi giới, đấu giá bất động sản; môi giới hợp đồng hàng hoá và chứng khoán; hoạt động quỹ tín thác, các quỹ và các tổ chức tài chính khác.

Xem thêm: "Cổ phiếu HPX bị đình chỉ giao dịch từ ngày 18/9, mã cổ phiếu này sẽ về sàn UPCoM?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trước khi bị đình chỉ giao dịch kể từ ngày 18/9, thị giá cổ phiếu HPX đã lao dốc mạnh với 4 phiên liên tiếp giảm kịch biên độ (từ ngày 11/9 – 14/9), từ mức 7.310 đồng/cổ phiếu xuống còn 5.460 đồng/cổ phiếu, vốn hoá của Đầu tư Hải Phát theo đó giảm về còn khoảng 1.600 tỷ đồng.

Xét về hoạt động kinh doanh, luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Đầu tư Hải Phát ghi nhận doanh thu đạt 896 tỷ đồng và lãi ròng đạt 57 tỷ đồng, lần lượt tăng 54% và tăng 88% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh nghiệp này cũng vừa có nghị quyết về việc thông qua kế hoạch tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, dự kiến diễn ra vào ngày 21/10 tới đây. Nội dung cuộc họp sẽ xoay quanh các nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội cổ đông theo quy định.

Quỳnh Trang