Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. vừa ký ban hành chính thức sắc lệnh về việc áp trần giá gạo bán lẻ tại Philippines. Theo đó, mức giá bán tối đa là 41 Peso Philippines (tương đương 0,72 USD)/kg đối với loại gạo xay xát thông thường, và tối đa là 45 Peso đối với loại gạo xay xát kỹ.
Đồng thời, ông Ferdinand Marcos Jr. yêu cầu các lực lượng cảnh sát và hải quan kiểm tra các kho gạo tại nước này để ngăn chặn tình trạng đầu cơ và nhập lậu gạo. Sắc lệnh này có hiệu lực ngay lập tức.
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Philippines, trong thời gian qua, hai loại gạo này được bán với giá cao hơn lần lượt 34% và 24% so với mức giá trần vừa được áp dụng. Giới chức Philippines hiện lo ngại việc giá gạo liên tục tăng cao sẽ khiến lạm phát tại nước này tăng tốc trở lại.
Gạo hiện chiếm 9% rổ hàng hóa để tính lạm phát của Philippines và là loại ngũ cốc chính của gần 114 triệu người dân nước này. Lạm phát của Philippines vốn đã chạm đáy 16 tháng trong tháng 7 vừa qua; tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Philippines ước tính lạm phát trong 8 đã tăng trở lại sau 7 tháng giảm do giá gạo và nhiên liệu lên cao.
Hồi năm 2018, việc giá gạo tăng cao do thiếu hụt nguồn cung nội địa đã khiến lạm phát tại Philippines tăng vọt, buộc nước này phải tăng lãi suất để kìm hãm đà tăng vật giá. Giá gạo trên thị trường quốc tế hiện đang ở mức cao kỷ lục trong hơn 10 năm trở lại đây sau khi Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đột ngột cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ kể từ ngày 20/7/2023.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Thương mại Philippines cho biết tình trạng đầu cơ, thao túng thị trường của các doanh nghiệp sản xuất và phân phối gạo là một nguyên nhân đẩy giá bán lẻ gạo tại nước này tăng vọt. Chính phủ Philippines hiện khẳng định nguồn cung gạo nội địa của nước này trong nửa cuối năm nay sẽ đủ đáp ứng nhu cầu.
Philippines hiện là một trong những quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Trong 7 tháng đầu năm nay, Philippines là khách hàng nhập khẩu gạo lớn nhất Việt Nam với lượng nhập khẩu đạt 1,9 triệu tấn với giá trị đạt 985 triệu USD, chiếm tỷ trọng gần 40% về lượng và 37% về kim ngạch trong cơ cấu xuất khẩu của gạo Việt Nam.
Trong một diễn biến có liên quan, Chính phủ Ấn Độ vừa cho phép xuất cảng các lô gạo tẻ trắng đã đóng thuế xuất khẩu trước ngày 20/7/2023 nhưng bị kẹt lại tại các cảng do nước này đột ngột áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu gạo. Động thái này cho phép khoảng 150.000 tấn gạo của Ấn Độ được chuyển đến các quốc gia tại khu vực Đông và Tây châu Phi.
Hiện thị trường gạo thế giới đang xuất hiện đồn đoán về việc Myanmar có thể sắp tạm ngưng xuất khẩu gạo trong vòng 45 ngày. Myanmar hiện là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 5 thế giới với khối lượng xuất khẩu đạt 2 triệu tấn/năm. Điều này có thể khiến nguồn cung gạo trên toàn cầu bị siết chặt hơn, đẩy giá gạo tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.