Theo báo cáo của FiinRatings, các ngân hàng thương mại là nhóm doanh nghiệp chiếm vị thế áp đảo thị trường trái phiếu sơ cấp trong tháng 7/2024 với tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt hơn 27.000 tỷ đồng, chiếm tới 87% tổng giá trị trái phiếu phát hành mới trên toàn thị trường.
Một số trái chủ lớn trong tháng 7/2024 có thể kể đến là Ngân hàng Quân đội (mã cổ phiếu MBB) với lượng phát hành 10.000 tỷ đồng, Ngân hàng Vietinbank (mã cổ phiếu CTG) với lượng phát hành 5.000 tỷ đồng, và Ngân hàng SHB (mã cổ phiếu SHB) với lượng phát hành 3.000 tỷ đồng.
Kỳ hạn trái phiếu của các tổ chức tín dụng tập trung ở các kỳ hạn 3 năm (đối với các ngân hàng tư nhân) và trên 5 năm (đa phần là các ngân hàng quốc doanh).
Dữ liệu sơ bộ mới đây của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cũng cho thấy, các ngân hàng thương mại tiếp tục là động lực chính của thị trường trái phiếu trong tháng 8/2024. Cụ thể, luỹ kế 16 ngày đầu tiên của tháng 8/2024, nảng ngân hàng đã phát hành thêm 22.750 tỷ đồng trái phiếu, chiếm gần 88% tổng giá trị trái phiếu phát hành mới.
Trái ngược với cảnh nhộn nhịp huy động trái phiếu từ các tổ chức tín dụng, hoạt động huy động qua kênh trái phiếu của ngành bất động sản vẫn ảm đạm khi tháng 7 chỉ ghi nhận 3 đợt phát hành với tổng giá trị 3.800 tỷ đồng. Luỹ kế 16 ngày đầu tiên của tháng 8/2024, các doanh nghiệp bất động sản cũng chỉ phát hành thêm 2.090 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 8% tổng giá trị trái phiếu phát hành mới.
Tính cả 7 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu trên thị trường đạt 178.500 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, riêng giá trị trái phiếu phi ngân hàng giảm 32%.
Họạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7/2024 đạt gần 32.100 tỷ đồng, tăng 26,1% so với tháng trước. Nhóm ngân hàng tiếp tục là đối tượng chủ yếu thực hiện mua lại, chiếm tới 90% giá trị trong tháng.
Theo FiinRatings, hoạt động mua lại trái phiếu sắp đáo hạn và phát hành mới của ngân hàng nhằm đáp ứng các tỷ lệ an toàn.
Xem thêm: "Ngân hàng OCB huy động gần 12.800 tỷ đồng trái phiếu" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Đồng thời, nhằm bổ sung vốn cấp 2 trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 và nửa đầu năm 2025, FiinRatings cho biết, nhiều ngân hàng đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu như Ngân hàng Agribank đã thông qua kế hoạch phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu vào đầu tháng 10/2024; Ngân hàng Bản Việt (mã cổ phiếu BVB) cũng thông qua phương án phát hành tổng cộng 2.200 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 9 và tháng 10/2024.
Ngoài một số ngân hàng đã đăng ký trái phiếu và chốt phương án như trên, nhiều ngân hàng khác cũng dự kiến phát hành trong các tháng còn lại của năm 2024 như: Ngân hàng LPBank (mã cổ phiếu LPB) với 6.000 tỷ đồng, Ngân hàng ACB (mã cổ phiếu ACB) với 15.000 tỷ đồng, Ngân hàng BIDV (mã cổ phiếu BID) với 4.000 tỷ đồng…
Ở thị trường thứ cấp, trong tháng 7/2024, giá trị giao dịch trái phiếu riêng lẻ đạt 89.100 tỷ ghi nhận giảm hơn 15% so với tháng trước đó do tháng 6 lượng thanh khoản ở nhóm trái phiếu ngân hàng tương đối cao.
Ngành Ngân hàng và Bất động sản vẫn chiếm đa số giao dịch, với giá trị giao dịch trái phiếu 2 ngành giảm lần lượt 55% và 17%.
Về lợi tức giao dịch trên thị trường thứ cấp, nhóm trái phiếu Ngân hàng vẫn duy trì tỷ suất lợi tức dao động từ 5-8%.
Đối với nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng, lợi tức chủ yếu từ 7-13%. Phần lớn tập trung ở các chủ đầu tư lớn, có thương hiệu và lịch sử hoạt động đã được chứng minh như Vinhomes (mã cổ phiếu VHM), Tập đoàn Nam Long (mã cổ phiếu NLG), Nhà Khang Điền (mã cổ phiếu KDH) hay Becamex IDC (mã cổ phiếu BCM). Đây đồng thời cũng là nhóm trái phiếu có thanh khoản tốt trên thị trường.