Ngân hàng Nhà nước vừa có thông báo về việc các ngân hàng sẽ được xét cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay kể từ ngày 28/8 nếu đã cho vay trên 80% chỉ tiêu được cấp từ đầu năm. Hạn mức cấp thêm sẽ được xét duyệt dựa trên cơ sở điểm xếp hạng.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh, tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023. Theo Ngân hàng Nhà nước, đây là mức thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm.
Năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự kiến khoảng 15%. Dựa trên diễn biến thực tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng và chủ động điều chỉnh hạn mức (room) cho từng nhà băng, mà không yêu cầu họ phải gửi đề nghị cấp thêm.
Đây được xem là điểm khác biệt trong cách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước so với mọi năm, vốn thường chia nhiều đợt và yêu cầu các ngân hàng gửi đề nghị để xem xét, phê duyệt.
Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước mà các tổ chức tín dụng không cần phải đề nghị, Ngân hàng Nhà nước cho biết, và thêm rằng sẽ tiếp tục triển khai chủ trương của Quốc hội, Chính phủ để dỡ bỏ dần biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Công thức tính chỉ tiêu tăng trưởng cho từng ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước dựa trên các yếu tố đầu vào gồm: dư nợ tín dụng năm 2023, điểm xếp hạng năm 2022, các khoản bán dư nợ tín dụng trong 2024 và chưa thu hồi được tiền.
Các tổ chức tín dụng, trừ ngân hàng 100% vốn nước ngoài và ngân hàng liên doanh, không được vượt quá mức dư nợ tín dụng quy định tại bất cứ thời điểm nào trong năm. Còn với các nhà băng 100% vốn nước ngoài và liên doanh, dư nợ tín dụng tại thời điểm cuối 2024 không được vượt quá mức được cấp.
Dữ liệu cho thấy mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng từ đầu năm đến nay có sự phân hoá mạnh, có nhà băng ghi nhận tăng trưởng cao, sát hạn mức đã được phân bổ nhưng cũng có đơn vị ghi nhận tăng trưởng âm.
Cụ thể, tính đến hết quý 2/2024, có 16 ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức trung bình ngành. Trong đó, 05 đơn vị có mức tăng trưởng tín dụng trên 12%, gồm Ngân hàng Quốc Dân (mã cổ phiếu NVB) tăng trưởng 16%, Ngân hàng LPBank (mã cổ phiếu LPB) tăng trưởng 15,2%, Ngân hàng Techcombank (mã cổ phiếu TCB) tăng trưởng 14,2%, Ngân hàng ACB (mã cổ phiếu ACB) tăng trưởng 12,8%, và Ngân hàng HDBank (mã cổ phiếu 12,5%).
Theo dữ liệu mới cập nhật của Chứng khoán Rồng Việt, tăng trưởng tín dụng đang có dấu hiệu dần tăng tốc trở lại. Cụ thể, dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng tính đến 16/8 đã tăng 6,25% so với cuối năm trước.
Trước đó, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6/2024 đạt 6,1% so với cuối năm 2023 và tăng 15,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 7/2024 giảm trở lại, chỉ tăng 5,7% so với cuối năm trước và tăng 15% so với cùng kỳ.
“Diễn biến tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm 2024 có phần tương tự năm trước, tuy nhiên, xét về quy mô, tốc độ mở rộng tín dụng năm 2024 mạnh hơn đáng kể so với năm 2023 khi tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tín dụng chỉ tăng trưởng 5,6% so với cuối năm trước”, Chứng khoán Rồng Việt nhận định.
Về phía huy động, dữ liệu khảo sát của Chứng khoán Rồng Việt cho thấy xu hướng tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn diễn ra trong tháng 8/2024 nhưng đã có dấu hiệu phân hoá, đặc biệt là ở khối ngân hàng tư nhân.
Số lượng ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất ít hơn so với tháng trước trong khi có một vài ngân hàng giảm lãi suất huy động trong tháng qua. Tính đến ngày 26/08/2024, lãi suất huy động bình quân của 35 ngân hàng được khảo sát đã tăng khoảng 57-76 điểm cơ bản so với mức thấp nhất vào cuối quý 1/2024 và trở về sát mặt bằng lãi suất cuối năm 2023.