Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn, vừa cho biết ước tính đến hết tháng 11/2023, Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR - sàn UPCoM) sẽ sản xuất khoảng 6,7 triệu tấn sản phẩm, đạt 131% kế hoạch năm.
Qua đó, tổng doanh thu của công ty ước đạt 133.400 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước ước đạt 15.163 tỷ đồng. So với các chỉ tiêu kinh doanh đề ra hồi đầu năm, Lọc hoá dầu Bình Sơn hiện đã hoàn thành và vượt xa.
Trong quý 3/2023, kết quả kinh doanh của Lọc hoá dầu Bình Sơn đã tăng trưởng mạnh mẽ; trong đó, biên lãi gộp tăng mạnh lên mức 10%. Đáng chú ý, việc crack margin (mức chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm tinh chế từ dầu) đối với sản phẩm dầu DO tăng cao giúp cho mặt hàng này ghi nhận mức biên lợi nhuận gộp kỷ lục 31,19%.
Hãng chứng khoán Dầu khí (PSI) cho biết, tính đến trung tuần tháng 10/2023, mức crack margin đối với giá dầu DO đang ở mức 25 USD/thùng. Cùng với đó, chênh lệch giá giữa giá xăng, giá nhiên liệu bay so với giá dầu thô lần lượt ở mức 8 USD/thùng và 24 USD/thùng. Mặc dù các mức crack spread này đã giảm so với quý 3/2023 nhưng vẫn đang cao hơn đáng kể so với mức trung bình tính từ đầu năm nay.
Trên thị trường thế giới, hoạt động sản xuất toàn cầu dự báo dần phục hồi cùng với các căng thẳng địa chính trị khó có thể sớm chấm dứt. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô trong năm 2023 lên mức 2,46 triệu thùng/ngày, tăng 20.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Trong năm 2024, OPEC tiếp tục giữ dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ tăng khoảng 2,2 triệu thùng/ngày. Những yếu tố này được kỳ vọng sẽ giúp giá dầu thô duy trì ở mức cao.
Tổng giám đốc Lọc hoá dầu Bình Sơn chia sẻ, Lọc hoá dầu Bình Sơn sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong khoảng thời gian còn lại của năm 2023 để giữ vững các kết quả sản xuất kinh doanh đã đạt được khi giá dầu thô và crack spread giảm so với mức nền cao của quý 3/2023. Bên cạnh đó, diễn biến tình tình thời tiết xấu cuối năm tác động đến công tác nhập dầu thô ảnh hưởng đến công suất vận hành và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang ở cuối chu kỳ bảo dưỡng tổng thể.
Tuy nhiên, Lọc hoá dầu Bình Sơn đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất an toàn, ổn định và linh hoạt công suất để bảo toàn kết quả sản xuất kinh doanh đã đạt được, ông Bùi Ngọc Dương cho biết.
Hiện tại Lọc hoá dầu Bình Sơn đang có cơ cấu tài chính lành mạnh. Đặc biệt, tính đến cuối quý 3/2023, số dư tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp ở mức khoảng 18.500 tỷ đồng. Trong bối cảnh công ty chưa có kế hoạch sử dụng vốn lớn trong năm 2024, nguồn tiền này sẽ tạo ra doanh thu hoạt động tài chính đáng kể cho Lọc hoá dầu Bình Sơn.
Trong năm 2024, Lọc hoá dầu Bình Sơn đặt trọng tâm thực hiện công tác Bảo dưỡng tổng thể lần 5 (TA5) đảm bảo an toàn, chất lượng, tối ưu chi phí và phấn đấu rút ngắn thời gian thực hiện so với ké hoạch được duyệt.
Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, nếu thời gian bảo dưỡng diễn ra đúng như kế hoạch (50 ngày, từ tháng 3 – tháng 4/2024), sản lượng sản xuất của Lọc hoá dầu Bình Sơn có thể giảm khoảng 10% so với năm nay nhưng sản lượng tiêu thụ sẽ không bị ảnh hưởng.
Ban lãnh đạo Lọc hoá dầu Bình Sơn hiện ước tính, nếu dừng hoạt động 50 ngày, dựa trên kịch bản giá dầu thô ở mức 70 USD/thùng, dự kiến doanh thu của công ty sẽ giảm 18.000 - 24.000 tỷ đồng, lợi nhuận giảm gần 1.000 tỷ.
Về vấn đề chuyển niêm yết cổ phiếu BSR, ông Bùi Ngọc Dương cho biết Lọc hoá dầu Bình Sơn tiếp tục thực hiện quá trình này và sẽ đưa cổ phiếu BSR lên sàn HoSE khi đủ điều kiện.