Hoàn thành hơn 99% mục tiêu lợi nhuận cả năm
Mới đây, Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR - sàn Upcom) đã công bố Báo cáo Tài chính hợp nhất quý 1/2023 với doanh thu thuần đạt 34.065 tỷ đồng, giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước. Kéo theo đó, lợi nhuận gộp của công ty giảm hơn 20%, xuống còn 2.071 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm còn 6%, so với mức 7,5% trong quý 1/2022.
Doanh thu hoạt động tài chính của Lọc hoá dầu Bình Sơn trong quý 1/2023 đạt gần 810 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước, do lãi tiền gửi tăng 96% và lãi chênh lệch tỷ giá tăng 160%.
Tuy nhiên, chi phí tài chính của công ty trong cùng kỳ cũng tăng gấp 3,4 lần, lên 639 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 520 tỷ đồng, cao gấp 7,8 lần so với hồi quý 1/2022. Chi phí bán hàng của công ty trong quý 1/2023 ở mức hơn 325 tỷ đồng, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp không có sự biến động nhiều.
Kết quả, Lọc hoá dầu Bình Sơn ghi nhận gần 1.621 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2023, giảm khoảng 30% so với quý 1/2022. Theo giải trình của Ban lãnh đạo công ty, hoạt động kinh doanh của Lọc hoá dầu Bình Sơn trong 3 tháng đầu năm nay kém thuận lợi hơn so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do giá dầu thô giảm xuống.
Cụ thể, trong quý 1/2022, giá dầu thô đã tăng mạnh từ 74,1 USD/thùng trong tháng 1/2022 lên 118,81 USD/thùng trong tháng 3/2022. Trong quý 1/2023, giá dầu thô được giữ tương đối ổn định ở mức 82 USD/thùng và đã giảm xuống còn 78,56 USD/thùng trong tháng 3/2023.
Trong năm nay, Lọc hoá dầu Bình Sơn lên kế hoạch kinh doanh khá thận trọng với nhận định hoạt động kinh doanh đối mặt nhiều thách thức, gồm thuế nhập khẩu xăng giảm từ 8% xuống còn 5%; mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 5% lên 10%; lạm phát đang tăng sẽ kéo theo chi phí hoạt động của công ty đi lên; áp lực cạnh tranh từ xăng dầu nhập khẩu…
Với dự báo giá dầu thô ở mức 70 USD/thùng, công ty đặt chỉ tiêu doanh thu hợp nhất cả năm nay là 95.645 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.628,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 43% và giảm 89% so với kết quả kiểm toán năm 2022.
Nếu so với kế hoạch kinh doanh trên, kết thúc quý 1/2023, Lọc hoá dầu Bình Sơn đã hoàn thành gần 36% mục tiêu doanh thu và 99,6% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Nắm giữ hơn 28.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi
Tính đến thời điểm 31/03/2023, tổng tài sản của Lọc hoá dầu Bình Sơn đạt 72.321 tỷ đồng, giảm 8% so với hồi đầu năm nay. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn lên đến hơn 28.564 tỷ đồng, chiếm 39,5% tổng tài sản của công ty, và tăng 14% so với thời điểm đầu năm. Hàng tồn kho của công ty đã giảm gần 36% so với hồi đầu năm, xuống còn 10.829 tỷ đồng.
Xét về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả hiện chỉ chiếm 27% tổng nguồn vốn của Lọc hoá dầu Bình Sơn, đạt 19.510 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Con số này giảm gần 29% so với thời điểm đầu năm. Dư nợ vay của công ty chỉ ở mức 5.656 tỷ đồng, chiếm chưa đến 8% tổng nguồn vốn.
Vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất của Lọc hoá dầu Bình Sơn với tổng vốn đầu tư khoảng 1,25 tỷ USD. Nguồn vốn đầu tư được thực hiện theo cơ cấu chủ sở hữu/vốn vay là 40/60. Nhà đầu tư được xem xét điều chỉnh cơ cấu vốn cho phù hợp với thực tế khả năng cân đối nguồn, nhằm đem lại hiệu quả cao hơn.
Dự án sẽ giúp Nhà máy lọc dầu Dung Quất có thêm 5 phân xưởng công nghệ bản quyền mới, nâng công suất từ mức 148.000 thùng/ngày hiện nay lên 171.000 thùng/ngày. Đồng thời, một số phân xưởng công nghệ sẽ được hiệu chỉnh, cải hoán.
Với việc mở rộng, nhà máy sẽ nâng cao độ linh động lựa chọn dầu thô để chế biến, đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp lâu dài và có hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/6, giá cổ phiếu BSR của Lọc hoá dầu Bình Sơn tăng 3,8% đạt 16.400 đồng/cổ phiếu.