Lộc Trời sẽ đẩy mạnh liên kết với các hộ nông dân thông qua các hợp tác xã (HTX) nhằm giúp giảm chi phí sản xuất. Song song đó, chất lượng gạo Việt sẽ được cải thiện và đáp ứng yêu cầu với các thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đánh giá, việc liên kết trên góp phần xây dựng hệ sinh thái bền vững, đóng góp quan trọng trong việc hình thành các HTX để triển khai xây dựng sản xuất lúa theo đơn đặt hàng, tạo sản phẩm sạch, giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất.
Trong năm 2022, Lộc Trời sẽ liên kết sản xuất và tiêu thụ khoảng 105.000 ha với các nông dân trên địa bàn tỉnh. Để cơ giới hoá nông nghiệp, Lộc Trời đã hỗ trợ 123 máy nông nghiệp trị giá 100 tỷ đồng cho nông dân, bao gồm 63 máy gặt đập liên hợp, 36 máy cày, 14 máy cộ lúa, 10 máy cuộn rơm.
Năm 2021, tập đoàn đã xuất khẩu hơn 80.000 tấn gạo tới các đối tác quốc tế ở châu Âu, Anh, châu Phi, Australia, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng ở châu Á. Tổng giá trị xuất khẩu gạo lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 24% doanh thu gạo của tập đoàn.
Tháng 9/2020, Lộc Trời đã được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn lựa chọn để xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên đi thị trường châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) và đã liên tục phát triển thị trường này trong hơn một năm qua và vừa có thêm các đối tác mới tại Thuỵ Điển và Đức trong năm 2021.