Cục Xuất nhập khẩu vừa công bố danh sách thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tính đến ngày 5/11/2021. Dựa trên danh sách này, cả nước có 205 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Trong danh sách, Cần Thơ tiếp tục là tỉnh thành có số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước với 44 doanh nghiệp, tiếp đến là TP.Hồ Chí Minh có 41 doanh nghiệp; Long An 23 doanh nghiệp; An Giang và Đồng Tháp là 20 doanh nghiệp; Hà Nội 9 doanh nghiệp; Tiền Giang 8 doanh nghiệp; Kiên Giang và Nghệ An có 6 doanh nghiệp…
Một số địa phương chỉ có 1 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, như: Đắk Nông, Trà Vinh, Bình Định, Hà Tĩnh, Nam Định...
Được biết, doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo ra các nước khác cần phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 Nghị định 107/2018/NĐ-CP quy định:
Một là, thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật được kinh doanh xuất khẩu gạo khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Có ít nhất 01 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật;
- Có ít nhất 01 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Hai là, kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều này có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê của tổ chức, cá nhân khác, có hợp đồng thuê bằng văn bản theo quy định của pháp luật với thời hạn thuê tối thiểu 05 năm.
Thương nhân có Giấy chứng nhận không được cho thuê, cho thuê lại kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo đã được kê khai để chứng minh việc đáp ứng điều kiện kinh doanh trong đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận của mình để thương nhân khác sử dụng vào mục đích xin cấp Giấy chứng nhận.
Ba là, thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, khoản 2 Điều này, được xuất khẩu các loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông quy định tại Điều 12 và có trách nhiệm báo cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định này.
Khi thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không có Giấy chứng nhận chỉ cần xuất trình cho cơ quan Hải quan bản chính hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền văn bản xác nhận, chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc chứng thư giám định gạo xuất khẩu do tổ chức giám định cấp theo quy định của pháp luật về việc sản phẩm gạo xuất khẩu phù hợp với các tiêu chí, phương pháp xác định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế hướng dẫn theo quy định tại điểm đ khoản 2, khoản 3 Điều 22 Nghị định này.
Xuất khẩu gạo hướng tới mục tiêu 6,3 triệu tấn
Thống kê từ Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 10/2021, Việt Nam đã xuất khẩu đạt 5,1 triệu tấn gạo, trị giá 2,65 tỷ USD.
Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang tích cực khôi phục sản xuất trở lại để đáp ứng tiến độ giao hàng trong hai tháng cuối năm 2021 cũng như nhu cầu từ nhiều thị trường nhập khẩu lớn tại châu Á cho nhu cầu cuối năm.
Tuy nhiên, nhận định từ các chuyên gia thương mại cho thấy, xuất khẩu gạo những tháng gần đây đang gặp khó khăn bởi nhiều yếu tố bất lợi từ dịch Covid-19, thế nhưng cùng với nhóm ngành hàng tỷ USD như đồ gỗ, thủy sản, rau quả, cà phê, cao su, hạt điều... đây vẫn là một trong những ngành hàng lợi thế của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để có được kết quả này thể hiện sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tìm giải pháp đẩy nhanh hoạt động xuất khẩu dù tình hình bốc xếp, vận chuyển, lưu thông hàng hóa cho khách hàng gặp nhiều khó khăn do hạn chế lưu thông tại nhiều địa phương.
Không những thế, gần đây giá gạo xuất khẩu của Việt Nam còn tiếp tục được cải thiện. Sau những tháng giảm giá liên tiếp, giá gạo xuất khẩu đã tăng rất mạnh trong tháng 10/2021, từ 438 USD/tấn đã vọt lên 530 USD/tấn đối với gạo 5% tấm.
Lý giải nguyên nhân giá gạo Việt tăng, một doanh nghiệp có trụ sở tại Long An cho biết, hiện vụ hè - thu đã thu hoạch hết trong khi Chính phủ đang tăng lượng dự trữ quốc gia, từ đó kéo giá cả trong nước và xuất khẩu tăng lên. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng hơn 2 tháng qua; trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ ở mức 383 - 387 USD/tấn và Ấn Độ là 368 - 372 USD/tấn.
Theo dự báo, trong những tháng cuối năm, hoạt động xuất khẩu gạo tiếp tục được đẩy mạnh do nhiều thị trường nhập khẩu lớn tại châu Á tăng nhập khẩu cho nhu cầu cuối năm.
Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu sẽ được khơi thông mạnh mẽ hơn do các địa phương đã bắt đầu nới lỏng giãn cách từ đầu tháng 10 và chủ trương nối lại sản xuất an toàn vừa phòng chống dịch.
Mặt khác, thị trường gạo thế giới bắt đầu có dấu hiệu sôi động trở lại khi dịch Covid-19 ở các nước xuất khẩu và nhập khẩu bớt căng thẳng, cho phép hoạt động thương mại gạo được nối lại.
Trước những thuận lợi này, các doanh nghiệp đang cố gắng để đưa mục tiêu xuất khẩu 6,3 triệu tấn gạo, trị giá 3,2 tỷ USD có thể hoàn thành trong Quý IV năm nay.