Mới đây Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã công bố một Báo cáo “Tại sao giảm bất đình đẳng thu nhập đem lại lợi ích cho tất cả chúng ta”. Trong đó giải thích khá rõ ràng vì sao thu nhập bất bình đẳng lại có tác động tiêu cực trực tiếp và mạnh mẽ đến sự tăng trưởng. Báo cáo này dựa trên phân tích kinh tế của 31 quốc gia thuộc OECD có thu nhập cao và trung bình. Cụ thể, từ năm 1990 đến 2010 tổng sản phẩm trong nước - GDP trên đầu người ở 19 quốc gia nòng cốt của OECD tăng tổng cộng 28%, nhưng con số này sẽ là 33% trong cùng giai đoạn nếu bất bình đẳng không tăng sau năm 1985.
Oxfam mới đây cũng công bố Chỉ số cam kết giảm bất bình đẳng (CRI) 2018, tại đó Việt Nam xếp thứ 99 trên toàn cầu, đứng thứ 13 trong số 23 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Đông Á - Thái Bình Dương, đưa Việt Nam vào nhóm các nước trung bình. Xếp hạng của Việt Nam phản ánh những thành tựu, thách thức và tầm nhìn trong tương lai. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến kỷ lục về giảm nghèo nhưng sự bất bình đẳng gia tăng sẽ đe dọa nhiều thập kỷ tiến bộ.
Bất bình đẳng hiện hữu ở Việt Nam dưới dạng thu nhập, cơ hội của mọi người. Nếu bất bình đẳng không gia tăng, kết quả giảm nghèo của Việt Nam sẽ còn tốt hơn nữa. Theo Báo cáo Đánh giá nghèo 2018 của Ngân hàng Thế giới, nếu bất bình đẳng không thay đổi, đói nghèo sẽ được giảm thêm 1,1%.
Báo cáo đưa đến kết luận cuối cùng rằng chỉ cần giảm bất bình đẳng một “điểm Gini” (một thước đo bất bình đẳng tiêu chuẩn được sử dụng bởi các nhà kinh tế học) sẽ nâng tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm lên 0,15%. Đây cũng là lý do vừa qua Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã phê duyệt khoản vay chính sách trị giá 100 triệu USD để phát triển lĩnh vực tài chính của Việt Nam, với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập đang gia tăng.
Chương trình Phát triển và Phổ cập lĩnh vực tài chính là biểu hiện sinh động cho mối quan hệ đối tác từ trung tới dài hạn về phát triển lĩnh vực tài chính giữa ADB và Chính phủ Việt Nam. Chương trình này nhất quán với Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 của Chính phủ và Chiến lược 2030 của ADB trong việc giải quyết tình trạng nghèo khổ còn tồn tại và bất bình đẳng trong thu nhập.
Bà Dương Nguyễn, Chuyên gia tài chính của ADB cho rằng “Hiệu quả phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây là rất ấn tượng, nhưng cải cách vẫn chưa triệt để, đặc biệt liên quan tới lĩnh vực tài chính. Bên cạnh đó, tính phổ cập tài chính hạn chế có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập đang gia tăng và tác động tới tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn. Chương trình này sẽ hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ để củng cố sự ổn định tài chính, phát triển các thị trường vốn trong nước, và tăng cường tính phổ cập tài chính.”
Đây cũng là Chương trình hỗ trợ một số cải cách của chính phủ nhằm củng cố, làm sâu sắc thêm, và mở rộng phạm vi khu vực tài chính chính thống của Việt Nam. Những cải cách này bao gồm việc cải thiện khung pháp lý và các qui định để giải quyết các khoản nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của thị trường tiền tệ và thị trường trái phiếu chính phủ, cũng như các biện pháp chính sách để áp dụng cách tiếp cận dựa trên thị trường đối với phổ cập tài chính thông qua tài chính vi mô và công nghệ tài chính. Giảm tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập là lối mở đưa đến tăng trưởng bền vững.