Đây là nội dung của Hội thảo Thúc đẩy ngân sách có trách nhiệm giới ở Việt Nam tổ chức ngày 6/12/2017. Hội thảo do ADB và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ UN Women tổ chức.
Theo các diễn giả tại Hội thảo, Luật Ngân sách 2015 của Việt Nam đã đề cập đến việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới như một trong các nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước. Thực hiện mục tiêu bình đẳng giới được xác định là một trong các căn cứ lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Không chỉ trong Luật Ngân sách 2015, mà trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có quy định hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đã ưu tiên về thuế cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ...
Lồng ghép giới vào ngân sách để phát triển bền vữngTuy nhiên chưa có dòng ngân sách riêng cho hoạt động bình đẳng giới, nguồn lực thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới được lồng ghép trong nhiều chương trình và dự án nên phân tán và manh mún...
Ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế cao cấp của ADB, thì kinh nghiệm toàn cầu cho thấy một trong những giải pháp cho những thách thức này là lồng ghép giới vào quy trình xây dựng kế hoạch, lập dự toán ngân sách nhà nước, thực hiện ngân sách, kiểm toán ngân sách của Chính phủ. Đây là công cụ giải trình trách nhiệm chính để theo dõi và hỗ trợ thực hiện các cam kết về bình đẳng giới, đến nay đã có trên 100 quốc gia thực hiện ngân sách có trách nhiệm giới.
Ông Aaron Batten cũng khẳng định, bình đẳng giới luôn là vấn đề trọng tâm trong chương trình hỗ trợ phát triển của ADB cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. ADB chú trọng tới vấn đề này bởi vì việc phát huy tài năng và triển vọng kinh tế của phụ nữ là vô cùng cần thiết cho công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Bà Elisa Fernandez, Trưởng văn phòng UN Women Việt Nam khẳng định, Luật Ngân sách năm 2015 một lần nữa khẳng định cam kết của Việt Nam về bình đẳng giới bằng việc thông qua các nguyên tắc bình đẳng giới trong việc lập chi tiêu ngân sách nhà nước. Nhưng Việt Nam vẫn cần có những hướng dẫn cụ thể để thực hiện những nguyên tắc này. “Ngân sách thể hiện sự tầm quan trọng và sự ưu tiên của chính sách. Chính phủ cam kết ưu tiên mà không bố trí ngân sách thì cam kết đó không thành hiện thực”, bà Elisa nhận định.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, hạn chế hiện nay là nguồn lực phân bổ cho công tác bình đẳng giới. Trong đó phải kể đến chưa có dòng ngân sách riêng cho hoạt động bình đẳng giới, hầu hết đều lồng ghép trong các khoản chi như: Chi quản lý hành chính, chi giáo dục, chi y tế, chi an sinh xã hội…
Theo thống kê, sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế còn yếu, rất đông phụ nữ làm việc trong khu vực phi chính thức vừa thu nhập thấp vừa không có bảo hiểm. Tỷ lệ nữ trong cơ quan Chính phủ còn thấp, khuôn mẫu giới vẫn còn tồn tại phân biệt nam và nữ còn tồn tại, bình đẳng giới vẫn trầm trọng ở địa phương phụ nữ làm nông nghiệp cao nên họ bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhiều hơn và sinh kế bấp bênh hơn.
Bởi vậy, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030, thì Việt Nam phải đẩy mạnh hành động thực hiện các cam kết lâu dài về bình đẳng giới và “Ngân sách có trách nhiệm giới” là một giải pháp để đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Minh Tân một lần nữa khẳng định.