Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Tiết kiệm năng lượng và cải tiến môi trường làm việc trên tàu đánh cá thông qua ứng dụng thiết bị chiếu sáng LED có công nghệ kỹ thuật mới COB đặc thù tại Việt Nam” do tổ chức Phát triển Công nghệ Công nghiệp và Năng lượng mới Nhật Bản (NEDO) tài trợ thuộc chương trình hợp tác về tăng trưởng cacbon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản theo Cơ chế tín chỉ chung (JCM).
Hội thảo thu hút đông đại biểu tham dự
Mục tiêu của Dự án là thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa ngành công nghiệp đánh bắt cá bằng sử dụng công nghệ đèn LED có độ bền, hiện đại được nghiên cứu và phát triển bởi Công ty Stanley Electric.
Dự án trình diễn giới thiệu các thiết bị chiếu sáng LED với công nghệ mới (COB), là một nguồn ánh sáng cho các tàu đánh bắt xa bờ (trên 90 CV) thay thế cho các nguồn sáng truyền thống sử dụng đèn halogen, thủy ngân và đèn sợi đốt. Dự kiến, hiệu quả tiết kiệm năng lượng trên lý thuyết là hơn 70%.
Năm 2015, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị hợp tác với Công ty Satnley Electrics (Nhật Bản) triển khai ứng dụng đèn LED vào đánh bắt hải sản. Dự án thay thế đèn chiếu sáng thông thường bằng đèn LED của Công ty Satnley Electrics cho tàu đánh bắt xa bờ thí điểm thành công, đến năm 2017 đưa vào áp dụng cho nhiều tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh, giúp ngư dân tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo báo cáo tại hội thảo, Dự án đã lắp đặt 1.800 đèn LED công nghệ COB cho các tàu đánh bắt xa bờ tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong của tỉnh Quảng Trị, giúp cho ngư dân tiết kiệm nhiên liệu, tăng hiệu quả kinh tế và góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Qua thực tế triển khai và quá trình đánh giá kiểm chứng Dự án “Tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả công việc với trang thiết bị đèn LED đặc biệt công nghệ mới (COB) cho tàu đánh bắt xa bờ tỉnh Quảng Trị” , so với các tàu sử dụng đèn cao áp và các đèn truyền thống trước đây thì tàu sử dụng đèn LED đã tiết kiệm được khoảng 60-70% nhiên liệu, giúp ngư dân giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận. Đặc biệt, đèn LED có tuổi thọ dài hơn so với đèn cao áp khác. Với quy mô lắp đặt trong đợt này là 1.800 bóng đèn LED thì hàng năm sẽ giúp giảm phát thải khoảng 1.048 tấn khí CO2, làm giảm hiệu ứng nhà kính từ đó góp phần hạn chế thiên tai ngày một khốc liệt hơn, giảm ô nhiễm môi trường. Mặt khác, sử dụng đèn LED sẽ giảm tác động tiêu cực đến sức khỏe ngư dân, đặc biệt đến thị lực của ngư dân…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Ngoài cung cấp thông tin về dự án, hội thảo cũng được nghe chia sẻ kinh nghiệm của ông Shoichi Bamba - Quản lý Phòng kỹ thuật I, Công ty Stanley Electric Nhật Bản về “Nâng cao hiệu quả năng lượng và cải tiến môi trường làm việc trên tàu cá ứng dụng thiết bị chiếu sáng LED công nghệ mới đặc biệt, COB”; ông Lê Văn Ninh - Phó Giám Đốc Trung tâm thông tin thủy sản – Tổng cục Thủy sản chi sẻ các thông tin liên quan đến “Tổng quan về các nghề khai thác thủy sản và tình hình sử dụng nguồn sáng tập trung cá trong khai thác thủy sản ở Việt Nam”; ông Hiroshi Inada - Giáo sư Trường Đại học Khoa học và Công nghệ hàng hải Tokyo chia sẻ về: Ứng dụng LED trong đánh bắt cá ở Nhật Bản – Kinh nghiệm cho Việt Nam.
Sự thành công của Dự án sẽ là điểm nhấn để nhân rộng cho tất cả các tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và và các tỉnh/thành phố ven biển của Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả năng lượng và cải tiến môi trường làm việc trên tàu cá, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đánh bắt xa bờ, thúc đẩy phát triển kinh tế biển một cách bền vững.