Công ty Cổ phần Long Hậu (mã cổ phiếu LHG - sàn HoSE) cho biết, tính đến này 11/7, công ty chưa công bố thông tin trên website doanh nghiệp cũng như trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh về ngày thực hiện chi trả cổ tức năm 2024.
Tuy nhiên, trước đó trên trang mạng xã hội đã xuất hiện văn bản có đóng dấu của HoSE về kế hoạch chi trả cổ tức năm 2024 của Long Hậu.
Đến ngày 9/7, HoSE đã khẳng định không ban hành văn bản nào liên quan đến việc chia cổ tức của Long Hậu và cảnh báo văn bản lan truyền trên mạng xã hội là giả mạo, khuyến nghị nhà đầu tư lưu ý, cảnh giác thông tin không đúng sự thật để phòng tránh rủi ro.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2025, cổ đông Long Hậu đã thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng tiền năm 2024 với tỷ lệ 19%, tương ứng trả tổng cộng hơn 95 tỷ đồng.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý 1/2025, Long Hậu ghi nhận doanh thu đạt gần 234 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 110 tỷ đồng, lần lượt tăng 206% và tăng 250% so với cùng kỳ. Đồng thời, biên lợi nhuận được cải thiện từ 53,3% lên 59,9%.
Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ hoạt động cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và xưởng xây sẵn theo yêu cầu. Qua đó, công ty hoàn thành tới 76% mục tiêu lãi cả năm nay (145,07 tỷ đồng) chỉ sau 3 tháng đầu năm.
Về triển vọng kinh doanh, ban lãnh đạo Long Hậu cho biết, theo khảo sát sơ bộ khi các chính sách thuế quan mới được Mỹ công bố vào đầu tháng 4/2025, chỉ có khoảng 22% doanh nghiệp dự kiến chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan ở các mức độ khác nhau. Trong đó, khoảng 12% doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp và 10% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp qua chuỗi cung ứng.
Đồng thời, không có khách hàng nào của Long Hậu đánh giá tình hình hiện tại là "khủng hoảng" mà thay vào đó là trạng thái thận trọng, đánh giá lại chiến lược và chờ tín hiệu rõ ràng hơn từ chính sách thuế quan mới cũng như phản ứng của thị trường tiêu dùng.
Phần lớn các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Long Hậu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đóng vai trò gia công - phụ trợ cho công ty mẹ hoặc phục vụ thị trường nội địa, không phải là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu - cuối có quy mô lớn.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Bảo Việt, bất chấp các biến động chính sách thương mại quốc tế, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong trung và dài hạn nhờ loạt lợi thế cạnh tranh.
Trong đó, việc sở hữu mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) có độ phủ sâu rộng được xem là lợi thế chiến lược lớn của Việt Nam so với các điểm đến FDI khác trên thế giới. Các hiệp định FTA hiện giúp Việt Nam tiếp cận đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoáng 90% GDP toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu đã và đang đẩy mạnh chuyển dịch vào Việt Nam để tận dụng khả năng tiếp cận thị trường thông qua các FTA trên.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tại Việt Nam được các doanh nghiệp FDI đánh giá ở mức cạnh tranh so với nhiều trung tâm sản xuất khác trên thế giới, đặc biệt là chi phí thuê đất, năng lượng, và nhân công.
Ngoài ra, việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công ở mức cao nhất lịch sử, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng kinh tế chiến lược, có tính kết nối liên vùng, liên tỉnh, sẽ tạo cơ hội thu hút đa dạng hoá ngành nghề, hướng tới các lĩnh vực công nghệ cao. Đồng thời, các doanh nghiệp FDI đánh giá cao các động thái đồng hành, nỗ lực giải quyết các khó khăn của Chính phủ Việt Nam, cũng như việc tăng cường các chính sách ESG như năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn…