An Giang: Chuyển biến tích cực trong an toàn thực phẩm
04/10/2023 lúc 14:00 (GMT)

An Giang: Chuyển biến tích cực trong an toàn thực phẩm

an giang an toan thuc pham
Ông Nguyễn Minh Hùng – Giám đốc Sở Công Thương An Giang

 

Nhận thức về an toàn thực phẩm tốt hơn 

PV: Xin ông cho biết những đánh giá chung về tình hình thực hiện an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian gần đây? Những thuận lợi và thách thức phát sinh hiện nay?

Ông Nguyễn Minh Hùng: Nhìn chung, việc triển khai thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh An Giang hiện nay tương đối tốt, các yêu cầu cơ bản được đáp ứng, việc đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp, có hiệu quả. Công tác đảm bảo ATTP được triển khai khá đồng bộ và có nhiều chuyển biến tích cực; nguồn lực để đảm bảo ATTP được tăng cường. Trách nhiệm của chính quyền các cấp, của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm được nâng cao; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình có ý thức sản xuất theo các quy trình, tiêu chuẩn an toàn. Nhận thức về vị trí, vai trò của công tác ATTP đối với sức khỏe con người, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng từng bước được nâng lên.

an giang an toan thuc pham

Đạt được kết quả đó là do công tác bảo đảm ATTP của An Giang đã được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. Các ngành đã bám sát và thực hiện nghiêm túc các giải pháp, nhiệm vụ và mục tiêu hàng năm của Trung ương và tỉnh An Giang đề ra về ATTP. Các văn bản của UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai khá toàn diện trên các mặt công tác, theo đó đã phân công rõ trách nhiệm cụ thể giữa các ngành, các cấp trong việc quản lý cũng như triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Luật ATTP. Công tác tuyên truyền ATTP được sự phối hợp hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng nên được triển khai rộng khắp tới nhiều đối tượng, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác quản lý Nhà nước, góp phần kiểm soát hiệu quả công tác ATTP tại các cơ sở.

Sở Công Thương cũng đã tăng cường phối hợp các ngành chức năng có liên quan triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp nhằm quản lý tốt hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và thương mại điện tử tại địa phương, trong đó bao gồm các hoạt động kinh doanh các sản phẩm thực phẩm.

an giang an toan thuc pham canh dong

 

Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm giảm còn 22 ngày

PV: Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của An Giang đã hỗ trợ cho công tác quản lý ATTP trên địa bàn như thế nào thưa ông? Xin ông cho biết thêm về công tác này?

Ông Nguyễn Minh Hùng: Trong những năm gần đây, Sở Công Thương tỉnh An Giang đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo đảm ATTP.

Một số kết quả tiêu biểu đạt được như sau: Sở Công Thương đã xây dựng và thực hiện quy trình điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 100% đối với lĩnh vực ATTP ở mức độ một phần trực tuyến (tương đương mức độ 3); thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được thực hiện tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh; Công khai niêm yết toàn bộ trên Cổng thông tin dịch vụ công tỉnh An Giang theo hướng đồng bộ, thống nhất trên toàn tỉnh phục vụ việc tích hợp, chia sẽ dữ liệu và công tác đánh giá giải quyết TTHC, tra cứu và lưu trữ theo quy định. Sở Công Thương cũng đã rà soát, trình công bố các danh mục thủ tục hành chính thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định đối với thủ tục hành chính “Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Sở Công Thương thực hiện” từ 25 ngày làm việc xuống còn 22 ngày làm việc.

an giang an toan thuc pham banh ngon

 

        

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo đảm ATT trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ cho công tác quản lý ATTP thuộc các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực Công Thương nói riêng.

          

Cụ thể như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và trả kết quả các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thực phẩm đã giúp các cơ sở, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại, từ đó có thể tập trung vào việc triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, công nghệ thông tin và chuyển đổi số cũng giúp cho công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và kiến thức chuyên môn về an toàn thực phẩm được triển khai thực hiện một cách nhanh chóng, dễ dàng và rộng khắp đến nhiều đối tượng. Đối với cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, việc thống kê, lập danh sách và quản lý các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm được lưu trữ, tra cứu một cách đầy đủ và tiện lợi hơn từ đó giúp cho công tác quản lý tốt hơn.

an giang an toan thuc pham banh

PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò, ý nghĩa của công tác hậu kiểm đối với nỗ lực đảm bảo ATTP nói chung và đối với An Giang nói riêng? Ông cho biết những kiến nghị để nâng cao hiệu quả hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn trong thời gian tới ?

Ông Nguyễn Minh Hùng: Công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm đóng vai trò hết sức to lớn và có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm của cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Việc triển khai công tác hậu kiểm về ATTP góp phần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp, thông qua hoạt động hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Việc này góp phần tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới theo các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và của Thủ tướng Chính phủ. Riêng đối với tỉnh An Giang, thông qua các nhận xét, kiến nghị, đề xuất và yêu cầu của các đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước về ATTP, các cơ quan quản lý nhà nước các cấp và các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu để triển khai thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tốt hơn nữa; phát huy những ưu điểm, kết quả đã đạt được, nhận thức đúng đắn về những hạn chế, khuyết điểm để đề ra những giải pháp khắc phục một cách hiệu quả. Từ đó góp phần đảm bảo các sản phẩm thực phẩm được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh luôn an toàn, chất lượng.

 

an toan thuc pham an giang
an toan thuc pham an giang tham quan

Đoàn công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm của Bộ Công Thương đã có chuyến làm việc nghiêm túc, hiệu quả với tỉnh An Giang.

 

Tuy nhiên tình hình ATTP của An Giang vẫn còn diễn biến phức tạp, cần được tiếp tục tăng cường quản lý quyết liệt và hiệu quả hơn nữa. Nhằm đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trong thời gian tới, Sở Công Thương An Giang kiến nghị một số giải pháp cần được tiếp tục triển khai thực hiện.

- Một là, tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

- Hai là, tăng cường công tác xây dựng và ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATTP.

- Ba là, tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.

- Bốn là, kiện toàn bộ máy, cơ cấu tổ chức quản lý ATTP từ tỉnh đến xã, đầu tư kinh phí, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác quản lý ATTP tương xứng với nhiệm vụ được giao. Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho công chức, viên chức làm công tác ATTP.

- Năm là, ban hành chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực ATTP.

 

Liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương trên địa bàn tỉnh, theo đó, một số hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm với quy mô, sản lượng lớn, tuy nhiên những hộ này chỉ thực hiện đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Kiến nghị Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh quy định đối với các đối tượng thuộc trường hợp này cho phù hợp hơn.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

 

5 tồn tại khó khăn, thách thức của An Giang trong an toàn thực phẩm:

Thứ nhất, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, phân tán rộng trên địa bàn tỉnh và liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân; công nghệ sản xuất, chế biến thực phẩm đa số còn mang tính thủ công nên việc bảo đảm ATTP còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ATTP.

Thứ ba, việc bố trí, phân công cán bộ, công chức của Sở Công Thương, Phòng Kinh tế/ Kinh tế - Hạ tầng, UBND cấp huyện trực tiếp làm công tác quản lý, bảo đảm ATTP ngành Công Thương còn rất ít và đều là kiêm nhiệm, thiếu ổn định, chưa đủ số lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. 

Thứ tư, nguồn ngân sách nhà nước phân bổ cho công tác quản lý về ATTP hàng năm còn rất hạn chế.

Thứ năm, công tác đấu tranh với thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm, bán hàng trên các trang thương mại điện tử hoặc giao dịch trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo,... vẫn còn nhiều hạn chế, do nhỏ lẻ, phân tán, không có địa điểm cụ thể và thường sử dụng nhà để kinh doanh nên lực lượng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát.

Ông Nguyễn Minh Hùng - Giám đốc Sở Công Thương An Giang

 

          

Bài: Minh Thủy (Thực hiện)

Thiết kế: Quốc Duy - Hoàng Quân

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí