Atiso - Dược liệu “vàng” trên đất Lâm Đồng
13/10/2023 lúc 16:34 (GMT)

Atiso - Dược liệu “vàng” trên đất Lâm Đồng

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi thuộc Nam Tây Nguyên. Atiso là loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao được nhiều người biết đến như sản vật đặc trưng của nơi đây.

atiso 2
atiso 3

Atiso là một loài cây thân thảo lá gai, thuộc họ Cúc (Asteraceae), tên khoa học là Cynara Scolymus. Atiso được người Pháp đưa vào Việt Nam từ khoảng những năm 40 của thế kỷ 20 và được trồng ở một số tỉnh như Quản Bạ (Hà Giang), Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), nhiều nhất là ở Đà Lạt (Lâm Đồng).

Cây Atiso có thể cao tới 1,5 - 2 mét khi trưởng thành. Lá cây dài từ 50 - 80cm. Phần lá có dạng hình trứng, mép lá hình răng cưa, hoa nở ở phần đỉnh ngọn cây. Hoa Atiso có màu tím hạt, tràng hoa màu vàng hồng hoặc màu tía. Phần lông thô và đài hoa màu đỏ bao quanh lấy quả. Khi Atiso già đi, hoa sẽ bị héo, chuyển sang màu nâu, phần quả bên trong sẽ cứng lại như gỗ.

Cây Atiso

 

Cây Atiso được người dân sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Atiso Đà Lạt không chỉ ăn được phần hoa mà cả rễ, thân, lá đều dùng được. Các phần này thường được sấy khô tạo nên những loại trà túi lọc thanh nhiệt, giải độc. Cụm hoa tươi thường dùng như một món rau, hoa sấy khô dùng nấu trà hoặc nấu các món hầm. Atiso Đà Lạt có công dụng lợi mật, ổn định và giúp gan thải độc, thanh lọc cơ thể, mát gan, bổ thận, phòng ngừa các bệnh xơ vữa động mạch, hạ cholesterol.

Mùa thu hoạch Atiso thường bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm. Thời điểm thu hoạch thích hợp nhất là lúc nụ hoa Atiso vừa nhú, độ lớn vừa đủ non, nếu hái khi nụ lớn quá thì sẽ giảm bớt dưỡng chất, nụ bị cứng và ăn có vị đắng. Vào mùa thu, khi các lá đài mềm tươi chuyển màu đỏ đậm, người dân sẽ tập trung hái hoa Atiso trong khoảng 15-20 ngày.

atiso5
atiso 6

Thường Atiso thu hoạch 6 lứa lá thì để cây nuôi hoa và một cây có rất nhiều hoa, có những bông hoa đường kính trên 10cm, khi thu lá Atiso trong vòng 24 giờ sẽ phải đưa đến nhà máy để chế biến. Cây Atiso có 2 loại là hoa xanh và hoa tím. Hoa xanh thường sử dụng làm nguyên liệu chế biến các món ăn nhiều hơn, còn hoa tím thường để làm dược liệu. Cả 2 loại này đều thu hoạch khoảng tháng 3, tháng 4 Dương lịch. Sau khi thu hoạch hoa xong, người làm vườn sẽ đào cả gốc và rễ làm trà hoặc bán cho các đầu mối.

Để cây hoa Atiso đạt chất lượng và cho dược tính cao, người nông dân của vùng trồng Đà Lạt đã áp dụng các tiêu chuẩn trồng trọt từ VietGAP, tuân thủ quy trình làm đất, chọn giống, kỹ thuật trồng cây trên ruộng, quy trình chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và sơ chế hoa Atiso...

Cây Atiso

 

          

Năm 2013 Atiso Đà Lạt trở thành một trong ba sản phẩm của Lâm Đồng được bình chọn trong Top 50 đặc sản quà tặng nổi tiếng Châu Á và lọt vào Top 50 các món ăn, trái cây đặc sản Việt Nam sách kỷ lục guinnes Việt Nam ghi nhận.

          

 

atiso 1
atiso  2
atiso  3
atiso  4

 

ATISO 2

Ở Lâm Đồng, cây atiso được trồng nhiều tại các phường 11, 12 Thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương. Trước đây, do chủ yếu trồng để tự cung tự cấp nên cây Atiso chỉ được xem như một thứ rau thực phẩm hằng ngày, một ít bán bông, rễ khô cho khách du lịch. Cây Atiso thật sự khởi sắc từ năm 1993, khi du lịch phát triển và Lâm Đồng có chủ trương phát triển cây Atiso thành một trong những cây trồng đặc sản chủ lực.

atiso

Nếu xuống giống trồng vào tháng 4 năm nay thì đến tháng 4 năm sau sẽ thu hoạch. Tuy thời gian trồng cây Atiso  dài hơn so với một số hoa màu khác, nhưng bù lại trong sáu tháng đầu trên diện tích trồng Atiso , bà con vẫn trồng xen canh kết hợp với một số cây rau đậu khác như bắp sú, xà lách… yếu tố này đã làm tăng giá trị diện tích trồng cây Atiso .

Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, giá trị kinh tế đem lại từ việc trồng cây dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác. Ở nhiều xã, cây dược liệu atiso không những đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo mà còn đang giúp nhiều gia đình tại Lâm Đồng có thu nhập khá, vươn lên làm giàu.

Nhằm phát triển diện tích trồng Atiso, huyện Lạc Dương khuyến khích các công ty liên kết với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thành lập tổ hợp tác, tạo việc làm cho các hộ này khi tham gia trồng dược liệu. Để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar) đã ký kết hợp tác với hai xã Đạ Sar và Đa Nhim (Lạc Dương, Lâm Đồng) để hình thành vùng nguyên liệu 10ha và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

atiso 8
atiso 9

Năm 2018, trên địa bàn xã Đạ Sar có 25 hộ dân đã chuyển đổi trồng Atiso  với diện tích 5 héc-ta, trong đó có 11 hộ tham gia liên kết với công ty Cổ phần Dược liệu Ladophar. Các hộ gia đình đã thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng cà phê già cỗi, dịch bệnh sang trồng Atiso . 

Sau 4 tháng, cây bắt đầu cho thu hoạch lá và được công ty bao tiêu thu mua toàn bộ. Nhân viên kỹ thuật của Ladophar luôn cùng bà con kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn chăm sóc cây. Đồng thời, hỗ trợ phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch. Giá được điều chỉnh theo giá thị trường, thanh toán nhanh gọn nên bà con yên tâm trồng trọt.

Để đảm bảo nguồn giống sạch bệnh và nâng cao hàm lượng dược chất của Atiso, Công ty đã nghiên cứu, thử nghiệm giống Atiso trồng từ hạt để thay thế cho giống cây truyền thống hiện nay. Bà con nhận giống cây Atiso chất lượng được Nhà nước hỗ trợ 70% giá trị cây giống, còn lại người dân tự đối ứng. Nhiều hộ gia đình sau khi tham gia dự án đã có thu nhập cao để cải thiện cuộc sống.

ladopha

Tại huyện Lạc Dương, cây atiso từ chỗ được bà con trong huyện trồng rải rác với diện tích khoảng 10 ha thì đến nay, nhờ chính sách liên kết phát triển trồng cây dược liệu mà diện tích atiso đã tăng lên nhiều lần, tập trung chủ yếu tại các xã Đa Nhim, Đa Sar, Đa Chais, xã Lát.

Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã có 184 hộ dân tham gia vào chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ atiso trên diện tích 27,3 ha với Công ty Ladophar. Khi tham gia liên kết, các hộ dân đều được ký hợp đồng thu mua đảm bảo đầu ra cho sản lượng thu hoạch.

lac duong 1
lac duong 2

Hiện Công ty Lardopha nhập một số giống có hàm lượng dược tính cao để nhân rộng, và tạo nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất dược liệu. Phấn đấu năm 2025, Công ty liên kết trồng trên 500 ha Atiso.

Dự báo trong thời gian tới, với sự phát triển của thị trường, nhiều loại sản phẩm chế biến đa dạng phong phú, nhu cầu nguyên liệu Atiso sẽ tăng mạnh.​

Hiện nay, Lâm Đồng có khoảng 162 ha Atiso, năng suất bình quân 504 tạ/ha, sản lượng khoảng 8.200 tấn. Hiện giá Atiso khoảng 5,7 triệu đồng/tấn, doanh thu đạt hơn 466 triệu đồng/ha, lợi nhuận hơn 217 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều lần so với các nông sản khác.

ladopha
          

Khi trồng loại cây này người dân chỉ cần đầu tư khoảng 30 triệu đồng/1.000m2, trong khi đó có thể bán lá, thân và hoa nên lợi nhuận khá cao từ khoảng 80 - 90 triệu đồng/1.000m2

          

 

 

ATISO 1
atiso

Cùng với việc áp dụng quy trình trồng theo quy chuẩn thì việc liên kết sản xuất ngày càng được mở rộng để đảm bảo ổn định đầu ra cho người trồng cũng như chất lượng đầu vào cho các doanh nghiệp chế biến cũng rất quan trọng.

Nhằm đảm bảo đầu ra cho diện tích trồng Atiso, nông dân Phường 12 (thành phố Đà Lạt) đã cùng tập hợp để thành lập Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh Thuận Phát Artichoke, nhằm truyền đạt kinh nghiệm sản xuất, bao tiêu và chế biến các sản phẩm từ cây Atiso giúp người dân nâng cao thu nhập.

Hợp tác xã thành lập từ năm 2019, đến nay đã đi vào ổn định liên kết trên dưới 30 nông hộ sản xuất hàng năm 25 - 30 ha atiso ở làng hoa Thái Phiên, Đà Lạt. Hợp tác xã khai thác cây giống atiso tại chỗ, cung cấp cho nông hộ liên kết sản xuất gối đầu với mật độ 1.600 - 1.700 cây trên diện tích 1.000 m2.

tra atiso
atiso

Nếu các công ty sản xuất các sản phẩm Atiso tại Đà Lạt thường chú trọng tới sản phẩm cao Atiso và trà Atiso thì Hợp tác xã Thuận Phát chọn hướng đi mới cho mình, đó là sản xuất thêm nhiều dòng sản phẩm khác để thị trường có thêm nhiều chọn lựa như: rượu ngâm Atisô lâu năm, bông khô, cọng khô, trà Atisô túi lọc nguyên chất, cọng Atisô, bông Atisô tươi sơ chế sạch sẽ, xếp vỉ, sẵn sàng cho khách hàng muốn chế biến mà không tốn công làm sạch nguyên liệu,...

Ngoài ra, Hợp tác xã vẫn có sản phẩm truyền thống là cao Atiso nguyên liệu để cung cấp cho các nhà máy, các doanh nghiệp khác dùng trong ngành dược hay đồ uống, thực phẩm chức năng và sản phẩm nguyên liệu sấy khô từ lá, thân, rễ Atiso cũng được Hợp tác xã xuất bán cho các đối tác để tiếp tục các công đoạn chế biến khác.

thuan phat

Tính riêng vụ mùa atiso trong năm 2022, những nông hộ liên kết với Hợp tác xã Atiso Thuận Phát đã thu hoạch trên diện tích 1.000 m2 đạt 3 tấn lá tươi, 400 kg rễ tươi, 400 kg thân tươi.

Trong năm 2023 với hơn 10 dòng sản phẩm atiso sơ chế, chế biến, hàng tháng Hợp tác xã Atiso Thuận Phát phân phối thị trường trong nước khoảng 300 kg bông khô; 300-400 kg thân, rễ khô; 200 kg bột túi lọc… giá thành bán ra đạt mức cao, tăng khoảng 50% trong vòng 5 năm trở lại đây. 

Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa Hợp tác xã và các hộ nông dân như mô hình Hợp tác xã Thuận Phát đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tham gia sản xuất, có thu nhập tốt, đồng thời Hợp tác xã có nguồn nguyên liệu ổn định, sản xuất đúng quy trình để chế biến ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh mạnh trên thị trường.

atiso
          

Bài: Hà Đan

Trình bày: An Nguyễn

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí