Cam bù - Trái vàng đất Hương Sơn
23/10/2023 lúc 14:00 (GMT)

Cam bù - Trái vàng đất Hương Sơn

 

Hương Sơn là huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh, nằm giáp với biên giới Việt Lào. Nơi đây nổi tiếng có giống cam bù thơm ngon với hương vị đặc trưng. Cam bù không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn giúp bà con nơi đây đổi đời.

 

Cam bù là loại cây đặc sản, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con Hương Sơn. Đây là loại cây chỉ phát triển tốt, cho chất lượng cao ở riêng vùng đất này.

Cây cam bù Hương Sơn cao trung bình khoảng tầm 2m, mỗi dịp thu hoạch được khoảng trên dưới 100 quả mỗi cây, có cây sai trái lên đến 200 quả. Giống cam này có độ tuổi trung bình khoảng 10-15 năm. Nếu gốc nào chăm sóc tốt có thể đạt 20 năm, sau thời gian này phải thay cây mới.

cam bu 1

Cam bù gần giống với cam canh. Là giống trái cam to, có vỏ dày màu cam, nhẵn, múi cam dễ tách và rất mọng nước. Kích thước cam bù khá lớn, nặng khoảng 200 - 300g/quả; một số quả còn nặng đến 500g. Đây cũng là phần dễ nhận biết nhất của loại cam này. Bên ngoài là lớp vỏ mỏng vàng bóng mịn. Chính lớp vỏ nhẵn mịn này không hề sần sùi như giống cam sành. Cam bù có hương vị ngọt thanh, mọng nước.

Cam bù giàu vitamin và khoáng chất, giúp giải độc tố, làm đẹp da, mắt sáng. Mỗi ngày thưởng thức 1,2 trái cam bù sẽ làm cho tinh thần tỉnh táo, minh mẫn, giảm mỡ máu, thanh lọc cơ thể. Ngoài ra, ăn cam bù rất tốt cho quá trình giảm cân, vị ngọt tự nhiên trong cam bù có thể thay thế các loại đường tinh luyện.

cam bu 3
cam bu 4

Ngoài việc giá trị dinh dưỡng cao cam bù còn được xem như là vị thuốc chữa được rất nhiều chứng bệnh như cảm cúm, viêm phế quản, bệnh đường ruột, tim mạch, suy nhược cơ thể…

Mùa thu hoạch cam bù vào đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài cho đến giêng hai. Cam bù chỉ cho quả vào một mùa này, đúng dịp tết Nguyên đán. Cam bù để càng chín càng ngon, khi đó, cam sẽ xuống nước, múi cam căng mọng

cam bu

 

cam bu 4

Không như các giống cam khác, cam bù là giống chín muộn, chín đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên giá trị kinh tế cao. Cam bù đã trở thành sản phẩm đặc sản mà tỉnh Hà Tĩnh khuyến khích phát triển, tập trung sản xuất theo hướng hàng hoá chất lượng cao phục vụ mục tiêu xuất khẩu, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân huyện Hương Sơn.

Cam bù xuất hiện trên đất Hương Sơn như một loài cây bản địa, mọc tự nhiên khắp nơi. Vào những năm 60, sau khi phát hiện ra cây ăn quả có giá trị, nông dân Hương Sơn mới bắt đầu quy hoạch trồng cam bù để thêm nguồn thu nhập.

cam bu 4

Để bảo tồn và phát triển giống Cam bù đặc sản này, năm 2011 Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Viện rau quả Trung ương tổ chức chương trình tuyển chọn giống cây đầu dòng để cung ứng cho bà con; tỉnh và huyện cũng đã xây dựng các chuyên đề phát triển cây ăn quả truyền thống trong đó có cây Cam bù gồm: xây dựng nhà kính, nhà lưới để tuyển chọn giống; hỗ trợ dân vay vốn; tuyên truyền để người dân phát triển cây Cam Bù; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật.

Ngày 18/6/2008, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định phê duyệt Danh mục các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp để tuyển chọn thực hiện trong 2 năm 2009-2010, trong đó có dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Cam Bù Hương Sơn cho sản phẩm cam quả huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh”.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt quy hoạch phát triển các loại cây trồng vật nuôi chủ yếu tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2007-2010, định hướng đến năm 2020, trong đó kế hoạch sản xuất cây Cam bù là tập trung phục hồi, lưu trữ, bảo tồn nguồn giống và phát triển diện tích trồng Cam Bù.

cam bu 6
cam bu 7

Cây cam bù giờ đây đã trở thành loại cây chủ lực trên đất Hương Sơn. Trung bình 1 ha trồng giống cam bù Hương Sơn mang lại 70-100 triệu đồng, vườn nào cây sai quả có khi thu được cả tỷ đồng trên một ha.

Từ khi khai thác thành công giống cam này, không ít gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó, hiệu quả kinh tế cải thiện gấp 10 lần so với những cây trồng khác như chanh, mía, quýt… Mỗi mùa cam thắng lợi, người dân vùng Hương Sơn lại có thêm thu nhập. Nhiều nông dân thành “triệu phú” nhờ trái cam bù.

Toàn huyện Hương Sơn hiện có hơn 1.000 ha diện tích trồng cam bù, tập trung nhiều nhất ở các xã Sơn Bằng, Sơn Trung, Kim Hoa, Sơn Phú, Sơn Hàm, Sơn Trường, Sơn Hồng, Sơn Tây, Sơn Thọ. Theo thống kê của UBND huyện Hương Sơn, năng suất năm nay ước đạt 152 tạ/ha, sản lượng ước trên 9.300 tấn, giá trị sản xuất khoảng 300 tỷ đồng.

Tại xã Sơn Trường - nơi được xem là thủ phủ cam bù của huyện Hương Sơn, hiện có 760 hộ dân trồng cam, trên diện tích 430 ha, năng suất đạt khoảng 5.000-6.000 tấn/năm.Giá cam bù Hương Sơn thu mua tại vườn giao động từ 35.000 đồng/kg đến 60.000 đồng/kg.

cam bu 1
cam bu  2
cam bu  3
cam bu  4

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục cùng với người dân quảng bá thương hiệu Cam bù phấn đấu đưa cam bù thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế của tỉnh. Đồng thời sẽ hình thành được một mạng lưới chuyên gia hoạt động để hỗ trợ, phổ biến và hướng dẫn các địa phương trong việc thực hiện các chính sách về phát triển nhãn hiệu, nâng cao vai trò của sở hữu trí tuệ trên thị trường các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.

Huyện cũng sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ về vốn, thị trường, xúc tiến hoạt động thương mại, xây dựng thương hiệu (nhãn mác, bao bì, đăng ký nhãn hiệu…), để quảng bá trái cam bù Hương Sơn.

cam bu 2

Xác định cam bù là cây chủ lực phát triển kinh tế, chính quyền địa phương đã vận động người dân sản xuất theo quy trình VietGAP. Huyện Hương Sơn cũng chủ động hỗ trợ hình thành các mô hình trồng cam bù theo chuỗi giá trị, với sự tham gia của nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp.

Nâng giá trị từ sản xuất sạch

cam bu

Hiện, huyện Hương Sơn có 2 hợp tác xã, 39 tổ hợp tác và 4 trang trại sản xuất cam bù với sự tham gia của hơn 200 hộ dân, tập trung chủ yếu tại các xã: Sơn Mai, Sơn Trường, Sơn Thủy, Sơn Hàm, Sơn Quang, Sơn Lâm, Sơn Tây… hiện nay đã có 15 tổ đủ điều kiện chứng nhận VietGAP nhằm hướng đến đưa cam bù Sơn Trường lên các sàn giao dịch điện tử, nhằm chủ động đầu ra cho bà con được ổn định hơn.

Hợp tác xã cam bù Trường Mai (tại 2 xã Sơn Mai và Sơn Trường) được thành lập với sự tham gia của 27 thành viên, sản xuất trên 30 ha cam bù ở thôn 5 (xã Sơn Trường) và thôn Kim Lộc (xã Sơn Mai).

HTX truong mai

Quá trình sản xuất đã được các phòng chuyên môn của huyện Hương Sơn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn và kiểm tra sát sao quy trình sản xuất của bà con. Sau một thời gian triển khai thực hiện, qua kiểm nghiệm đánh giá của Công ty cổ phần chứng nhận & kiểm nghiệm FAO, toàn bộ diện tích cam bù của Hợp tác xã Trường Mai đã đáp ứng được đầy đủ 4 tiêu chí quy định của quy trình sản xuất VietGap.

cam bu 10
cam bu 11

Việc thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, lạc hậu sang liên kết, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật, giúp hiệu quả của mô hình trồng cam ngày càng được nâng lên, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân ở Hương Sơn.

Để tiếp tục nâng tầm thương hiệu, gia tăng giá trị cho sản phẩm cam bù đặc sản, thời gian tới huyện Hương Sơn dự kiến tiếp tục nâng cao vai trò của các hợp tác xã trong việc định hướng người nông dân phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Cùng với phát triển hợp tác xã, huyện sẽ thu hút các doanh nghiệp để hình thành các chuỗi giá trị, đưa cam bù vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, có uy tín, đồng thời tích cực kết nối để mở cánh cửa xuất khẩu.

cam bu

 

Tạo giá trị mới từ công nghệ

Bên cạnh định hướng sản xuất cam bù theo tiêu chuẩn VietGap, những năm gần đây, nhiều đề tài khoa học cấp bộ ngành, địa phương được triển khai nhằm bảo tồn, phát triển giống cam bù đặc sản. Huyện cũng khuyến khích bà con mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, hướng đến cung cấp sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Tổ hợp tác Cam Trại Cộ tại Thôn Tân Hoa, Kim Hoa, Hương Sơn, Hà Tĩnh đã triển khai thành công mô hình nông nghiệp thông minh kết hợp chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất với giải pháp tổng thể  của Nextfarm. Mô hình được triển khai trên diện tích canh tác lên tới 5ha, sản xuất các loại cam chanh, cam bù, cam đường của hộ gia đình anh Thái Vinh Quang (Tổ trưởng Tổ hợp tác).

cong nghe 1
cong nghe 2

Khi áp dụng mô hình hệ thống đã giúp anh nắm bắt được tình hình khí hậu tại khu vực trồng cũng như chủ động điều khiển tưới, châm phân cho cây trồng. Chủ động trong quá trình cấp nước cho cây, giúp cây hấp thụ phân tốt hơn.

Tháng 10/2022, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã cùng làm việc với Đại sứ quán Israel tại Việt Nam về chương trình hỗ trợ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng vườn cam bù thông qua áp dụng các giải pháp công nghệ cao từ Israel. Công nghệ tưới thông minh sẽ được các chuyên gia Isarel trực tiếp chuyển giao, xây dựng.

cam bu

Chương trình sẽ hỗ trợ một phần chi phí thiết bị và lắp đặt hệ thống tưới thông minh (NaanDanJain Irrigation) của Israel cung cấp với mức tài trợ từ 50 - 70% chi phí đầu tư ban đầu và 100% chi phí đào tạo 2 năm đầu.

Giai đoạn thí điểm dự kiến sẽ tiến hành trên diện tích 50ha với 50 hộ dân trồng cam bù tại xã Sơn Trường và một số xã lân cận của huyện Hương Sơn trong thời gian từ tháng 10/2022 đến tháng 12/2024.

Chương trình sẽ không dừng lại ở việc tăng năng suất chất lượng vườn cam bù, mà còn hướng tới mục tiêu đưa vùng trồng cam công nghệ cao trở thành điểm du lịch của địa phương.

Chương trình hỗ trợ khi triển khai thành công không chỉ góp phần cải thiện kinh tế cho bà con mà còn sẽ tạo ra nhiều giá trị mới cho trái cam bù Hương Sơn.

cam bu

 

          

Bài: Gia Hân
Trình bày: An Vũ

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí