Nơi rẻo cao Bắc Hà, cây dược liệu cát cánh mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng cây ngô trước đây. Với đồng bào dân tộc Mông, cát cánh đang dần trở thành “sinh kế bền vững” của bà con.
Cây cát cánh còn có tên gọi khác là kết canh, mộc tiện, bạch dược, phù hổ hay cánh thảo. Tên khoa học là Platycodon grandiflorum, thuộc họ hoa chuông Campanulaceae. Cát cánh là loài mới được di thực vào nước ta sau này.
Đây là cây thân thảo sống lâu năm, chiều cao trung bình từ 60 - 90cm. Lá dưới mọc vòng hoặc đối xứng nhau, không có cuống, phiến lá hình trắng, mép lá có răng cưa to và lá trên thân mọc cách. Rễ củ nạc, bên ngoài có màu vàng nhạt. Hoa cát canh có hình chuông, màu xanh tím và mép có 5 thùy, các thùy có gân nổi rõ.
Cát cánh có tác dụng khứ đàm, khai thông phế khí, bổ phế, tốt cho hầu họng. Vì thế, vị thuốc tự nhiên này thường được sử dụng điều trị viêm họng, tiểu tiện không lợi, ho có nhiều đờm và một số bệnh lý khác.
Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu tới năm 2020 định hướng 2030, tạo những chính sách riêng cho cây dược liệu. Trong 8 vùng quy hoạch trồng dược liệu có thế mạnh, phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái đáp ứng nhu cầu thị trường, vùng núi trung bình có khí hậu á nhiệt đới, Bắc Hà được quy hoạch để phát triển 12 loài dược liệu bản địa và nhập nội.
Năm 2019, cát cánh nằm trong Danh mục 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020 - 2030 do Bộ Y tế ban hành. Đây là là cơ sở cho các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị lựa chọn loài, nhóm loài phù hợp để phát triển dược liệu.
Bắc Hà có không khí trong lành, thuận lợi cho cát cánh sinh trưởng và phát triển tự nhiên, từ đó cung cấp nguồn dược liệu sạch cho sản xuất. Cách đây gần 10 năm, nông dân vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) bắt đầu biết đến cây dược liệu cát cánh. Khi ấy, diện tích chỉ có 5.000 m2, giờ đã tăng lên gần 120 ha.
Toàn bộ diện tích đều được trồng trong quy hoạch và theo đặt hàng của các công ty dược. Mỗi ha cát cánh thu hoạch khoảng 1 tấn củ tươi, cho giá trị 100 - 120 triệu đồng, đời sống của bà con được cải thiện rõ rệt. Với hiệu quả kinh tế cao, cát cánh đã dần khẳng định vị thế và trở thành cây chủ lực của địa phương.
Xã Tả Van Chư được xem là "thủ phủ" trồng cây dược liệu cát cánh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới của huyện Bắc Hà. Việc phát triển cây dược liệu cát cánh ở vùng cao Bắc Hà, nhất là xã Tả Van Chư đã và đang đem lại lợi ích kép, vừa hút khách du lịch, phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, cải thiện, nâng cao đời sống bà con nông dân người Mông địa phương.
Trước đây, người dân ở xã Tả Van Chư mỗi năm vẫn chỉ trông chờ vào ruộng ngô, cây lúa. Song từ khi cây dược liệu cát cánh xuất hiện, mọi thứ thay đổi. Không chỉ kinh tế, thói quen canh tác lạc hậu cũng dần được thay thế bởi hình thức kỹ thuật cao theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tham gia dự án trồng cây dược liệu cát cánh, bà con người Mông được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện ký cam kết hỗ trợ gieo trồng và bao tiêu 100% sản phẩm; nông dân được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật để mở rộng diện tích trồng cây dược liệu theo hướng an toàn của Tổ chức Y tế thế giới, khi thu hoạch Trung tâm đến tận cánh đồng thu mua trực tiếp, tạo niềm tin cho bà con gắn bó.
Với diện tích 50ha, đến nay đã có một số hộ thu hoạch xong cây dược liệu cát cánh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà đứng ra thu mua sản phẩm cho bà con với giá trung bình 20 ngàn đồng/kg, đây là mức giá cao và ổn định, thực sự là nguồn thu lớn, giúp cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào Mông địa phương.
Để thuận lợi cho thu hoạch, nhất là việc bảo quản, bao tiêu sản phẩm củ, UBND xã Tả Van Chư đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Địa phương áp dụng thu hoạch theo hình thức “cuốn chiếu”, thu hoạch vận chuyển sản phẩm hết tại thôn này sẽ chuyển đến thôn khác. Chỉ cần người dân sau khi thu hoạch xong, chuyển sản phẩm củ tươi lên vị trí thuận lợi, sẽ có xe tải của Trung tâm đến tận chân ruộng để thu mua, cân đếm với giá cả ổn định, từ đó bà con không phải lo lắng về đầu ra cho sản phẩm củ tươi.
Năm nay, toàn xã Tả Van Chư trồng được 78 ha cây dược liệu cát cánh (tăng gần 30 ha so với năm 2022), hiện xã Tả Van Chư là xã có số diện tích trồng cây dược liệu cát cánh lớn nhất huyện Bắc Hà.
Ngoài làm dược liệu, vào mùa trổ hoa, những vùng trồng dược liệu Cát Cánh trên rẻo cao Bắc Hà tràn ngập hoa tím biếc đã tạo nên diện mạo mới và thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, khám phá, chụp ảnh, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho bà con nông dân.
Với những nỗ lực trong thực hiện phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đặc biệt là phát triển vùng cây dược liệu cát cánh theo tiêu chuẩn quốc tế, diện mạo nông thôn mới ở vùng cao Tả Văn Chư đã từng bước khởi sắc, đời sống của đồng bào dân tộc Mông từng bước được cải thiện, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới...
Năm 2023 là vụ thứ 5 liên tiếp cây cát cánh được trồng trên vùng đất rẻo cao Tả Van Chư và đã khẳng định vị thế cây giảm nghèo, làm giàu cho bà con nông dân địa phương. Năm 2022 đã đem lại nguồn thu lớn hơn 9 tỷ cho đồng bào Mông nơi đây
Cùng với sự chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ bà con canh tác, cây dược liệu cát cánh phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Dược liệu này dần trở thành một chỉ dẫn địa lý, giúp bà con thay đổi cuộc sống, phát triển du lịch.
Nếu như trước đây, 80% lượng cát cánh phải nhập khẩu thì nay đã được trồng trong nước với chất lượng quốc tế quy định. Tại Bắc Hà, Lào Cai, vùng trồng dược liệu cây cát cánh có diện tích lên tới gần 100 ha.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên ngành, trên địa bàn huyện Bắc Hà có 62 ha cây dược liệu Cát cánh, được trồng tại các xã: Tả Van Chư, Lùng Phình, Bản Phố, Tả Củ Tỷ, Hoàng Thu Phố, Lùng Cải của huyện. Sản lượng tươi đạt 480 tấn. Toàn bộ diện tích cát cánh được trồng theo Hợp đồng kinh tế đã ký kết giữa Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà với các công ty như: Công ty TNHH Nam Dược, Công ty TNHH MTV dược liệu xanh Nam Hà, Công ty Cổ phần ANVY, Công ty TNHH Thuốc nam Nguyễn Kiều...
Đến thời vụ thu hoạch, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bắc Hà phối hợp với HTX nông nghiệp Cờ Cải thu mua toàn bộ sản phẩm củ cát cánh tươi cho bà con để tiến hành sơ chế, sấy khô và xuất bán cho các Công ty dược theo hợp đồng đã ký kết. Vì vậy, toàn bộ sản phẩm cát cánh của bà con đều được các Công ty, HTX bao tiêu theo hợp đồng.
Đại diện Công ty cổ phần Nam Dược cho biết, để đảm bảo đầu ra ổn định, bà con ký cam kết, trồng số lượng dựa trên cơ sở hợp đồng bao tiêu đầu ra, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ các chương trình khuyến nông, cơ sở hạ tầng. Phía công ty tiếp tục hỗ trợ nguồn giống đạt chuẩn, cập nhật và đào tạo liên tục quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế, thường xuyên cắt cử cán bộ kỹ thuật phụ trách vùng trồng tới hỗ trợ người dân.
Sự kết hợp chặt chẽ của "3 nhà" giúp bảo đảm số lượng cũng như chất lượng dược liệu, tránh tình trạng người dân thấy cây cát cánh đem lại giá trị cao, trồng ồ ạt gây mất kiểm soát chất lượng dược liệu cũng như ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, mang tới nguồn dược liệu chuẩn hóa cho doanh nghiệp.
Bài: Xuân An
Trình bày: My Nguyễn