Chia sẻ tại Tọa đàm “Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời” do Tạp chí Công Thưng tổ chức, bà Nguyễn Yến Ngọc - Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, cho biết, năm 2024 tiếp tục chứng kiến xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, song đây cũng là thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bởi nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng bảo hộ mạnh mẽ hơn, đặc biệt là áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Tính đến hết năm 2024, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã phải đối mặt với khoảng 273 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường khác nhau. Trong đó ghi nhận một số thị trường mới, lần đầu tiên điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam như Mexico hay Nam Phi.
Còn nếu chỉ tính riêng trong năm 2024, có đến 29 vụ việc phòng vệ thương mại mới do nước ngoài khởi xướng, đây là con số cao thứ 2 trong lịch sử, chỉ thấp hơn năm 2020 là 39 vụ việc. Trong đó, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Indonesia là các thị trường có xu hướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với Việt Nam trong năm 2024. Đặc biệt, Hoa Kỳ chiếm gần 50% tổng số vụ việc đã khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
“Điều này cho thấy, xu hướng điều tra phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.” - Bà Ngọc nhận định.
Đáng lưu ý, những mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại không chỉ là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn hay các mặt hàng công nghiệp có tính cạnh trạnh mạnh thế giới, mà năm 2024 còn chứng kiến xu hướng điều tra các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp như pin năng lượng mặt trời, đĩa giấy,…
Trong bối cảnh thế giới đang chuyển sang xu hướng sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch và Trung Quốc là quốc gia thường xuyên bị cáo buộc về dưa thừa năng suất, dư thừa nguồn cung về năng lượng sạch, hơn nữa, các doanh nghiệp đầu tư về năng lượng tại Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, Cục Phòng vệ thương mại nhận định, năng lượng là ngành có nhiều khả năng bị tiến hành điều tra phòng vệ thương mại.
Ông Vũ Thanh Hải - Chuyên gia Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, trên thị trường thế giới, sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời đang được sử dụng rất rộng rãi với quy mô và công nghệ chế tạo tấm pin được cập nhật, phát triển rất nhanh và hiệu suất của các tấm pin ngày càng được nâng cao.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có năng lực lớn trong sản xuất và xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời, bắt kịp xu hướng phát triển của ngành năng lượng xanh trên toàn cầu. Đây cũng là cơ hội lớn đối với lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu pin năng lượng mặt trời của thế giới nói chung và của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.
Tuy nhiên, cùng với các cơ hội sản xuất, xuất khẩu, đây cũng là điều kiện gia tăng mạnh mẽ các biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể, theo bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, đến nay, mặt hàng pin năng lượng mặt trời đã bị 3 nước tiến hành điều tra phòng vệ thương mại, đó là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ. Ấn Độ khởi xướng điều tra chống bán phá giá với pin năng lượng mặt trời Việt Nam vào năm 2021, sau đó nguyên đơn rút đơn và vụ việc chấm dứt. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều tra chống bán phá giá và chống lẩn tránh phòng vệ thương mại vào năm 2023, nhưng bằng sự hợp tác chặt chẽ trong vụ việc, doanh nghiệp Việt Nam đã được hưởng mức thuế là 0%.
Tuy nhiên, tại thị trường Hoa Kỳ, vụ việc đã trở nên phức tạp hơn nhiều, đến năm 2024, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra cả 4 biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam là chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Trước đó, Hoa Kỳ đã điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với pin năng lượng mặt trời từ năm 2017, đến năm 2018, Hoa Kỳ tiếp tục áp dụng thuế tự vệ đối với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu trên toàn cầu đến năm 2022. Chưa dừng lại ở đó, Hoa Kỳ đã một lần nữa gia hạn áp thuế tự vệ đến năm 2026.
Đến năm 2021, ngành sản xuất Hoa Kỳ lại nộp đơn đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam, Thái Lan và Malaysia với cáo buộc sử dụng nguyên liệu chính từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đơn đề nghị điều tra đã bị cơ quan điều tra của Hoa Kỳ từ chối với lý do ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ nộp đơn không rõ danh tính.
Sau khi hoàn thiện đơn kiện, năm 2022, ngành sản xuất Hoa Kỳ tiếp tục nộp đơn điều tra chống lẩn tránh, trong đó đề nghị điều tra thêm với Campuchia. Vụ việc đã được Hoa Kỳ tiến hành khởi xướng điều tra.
Năm 2023, Hoa Kỳ công bố kết quả điều tra vụ việc chống lẩn tránh này, trong đó 1 trong số 2 doanh nghiệp Việt Nam là bị đơn bắt buộc trong vụ việc đã được kết luận không lẩn tránh, còn lại các doanh nghiệp khác trong vụ việc đều bị coi là lẩn tránh. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp khác cung cấp được giấy tờ chứng nhận không sử dụng nguyên liệu chính của Trung Quốc thì vẫn có thể xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ bình thường mà không bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nào.
Mặc dù vậy, đến năm 2024, ngành sản xuất Hoa Kỳ lại một lần nữa yêu cầu điều tra thêm biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với pin năng lượng mặt trời và lần này phạm vi điều tra đã loại trừ những sản phẩm có nguyên liệu chính của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là nếu sản phẩm sử dụng nguyên liệu chính của Trung Quốc sẽ bị áp dụng mức thuế đối với Trung Quốc theo kết luận của vụ việc chống lẩn tránh trước đó, còn những mặt hàng sử dụng nguyên liệu cảu Việt Nam, coi là hàng hóa Việt Nam sẽ bị điều tra và có thể bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang tiến hành. Hiện vụ việc mới chỉ có kết luận sơ bộ, đang tiếp tục điều tra và chưa có kết luận cuối cùng.
Lý giải về điều này, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng cho biết, do thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ rất lớn đã làm ảnh hưởng và cạnh tranh trực tiếp tại ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam lại đang dần chiếm lĩnh được thị trường với giá cả cạnh tranh lại tiếp tục tạo ra áp lực rất lớn đối với ngành sản xuất tại thị trường này.
Chưa kể đến các biện pháp thuế quan của Hoa Kỳ đang khiến cho chuỗi cung ứng bị thay đổi, do vậy, đối với chính sách Trung Quốc +1 rất nhiều các doanh nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất cũng dịch chuyển đẩu tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và dịch chuyển sang các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Gần đây nhất, trong cương lĩnh vận động tranh cử của Tổng thống Joe Biden cũng như Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cập người lao động và ngành sản xuất nội địa là trung tâm, do vậy, mọi chính sách đều hướng về các đối tượng này đã khiến cho các vụ việc phòng vệ thương mại nói chung và các vụ việc phòng vệ thương mại áp dụng với Việt Nam (1 trong 3 quốc gia có thặng dự thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ) ngày càng gia tăng trong thời gian vừa qua.
Ông Hưng cũng cho biết thêm, pin năng lượng mặt trời là mặt hàng xuất khẩu khá hiếm ở Việt Nam có liên quan đến tất cả các biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ áp dụng.
Thực tế, trên thị trường Hoa Kỳ, sự cạnh tranh của tấm pin năng lượng mặt trời là rất gay gắt, vì ngành hàng này ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của các bên, kể cả các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng như các doanh nghiệp sản xuất trong nước của Hoa Kỳ.
Hàng năm, Hoa Kỳ nhập khẩu hàng tỷ USD và có nhu cầu thị trường rất lớn với tấm pin năng lượng mặt trời. Bên cạnh đó, Chính phủ Hoa Kỳ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ linh hoạt khi lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời. Ở chiều ngược lại, các sản phẩm pin năng lượng mặt trời của Việt Nam lại có nhiều mẫu mã, chất lượng, giá cả phù hợp với nhu cầu của Hoa Kỳ, được người tiêu dùng của thị trường này biết đến.
Dựa trên những tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald Trump, thời gian tới, xu hướng của thị trường Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng những vụ việc phòng vệ thương mại, đặc biệt là các vụ việc điều tra chống lẩn tránh.
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã thông báo rằng, năm 2024 là năm cơ quan này nhận được nhiều đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp cao nhất lịch sử. Theo đó, xu hướng điều tra phòng vệ thương mại sẽ tiếp gia tăng trong năm 2025 và trong tương lai.
Ngoài ra, với sức ảnh hưởng của một quốc gia lớn như Hoa Kỳ sẽ có những tác động nhất định đến chính sách của các nước khác. Điển hình như trong năm 2024, Bộ trưởng Thương mại Indonesia cũng đã đưa ra tuyên bố sẽ tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế dự kiến lên đến 100-200% trên nhiều mặt hàng của Việt Nam, dự kiện là những mặt hàng điện tử, dệt may, da giày hay gạch ốp lát…
Trước những thách thức gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) đã lập danh sách cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại định kỳ và công bố rộng rãi để các cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội ngành hàng, địa phương và các doanh nghiệp liên quan lưu ý, theo dõi chặt chẽ và chủ động có những biện pháp ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại phù hợp.
Bộ Công Thương cũng triển khai hàng loạt chương trình, hoạt động đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại cho các Sở, ban, ngành, các địa phương và doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ để các đơn vị liên quan có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa trước khi các vụ việc xảy ra.
Bộ Công Thương thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi kịp thời, đầy đủ về các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại và có những hướng dẫn cho các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng và địa phương về quy trình, thủ tục của từng nước cụ thể, từ đó đề xuất những phương án, giải pháp ứng phó phù hợp với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, Bộ cũng theo dõi và phối hợp với doanh nghiệp để đưa ra những ý kiến tham vấn với cơ quan điều tra, trong trường hợp có những cáo buộc thiếu chính xác hoặc trong hoạt động điều tra có những vi phạm so với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới hay các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam và nước nhập khẩu cùng là thành viên hoặc vi phạm quy định điều tra phòng vệ thương mại, Bộ sẽ có ý kiến và đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp nhằm bảo vệ cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, những ngành hàng và thị trường có xu hướng và tiềm năng phát triển mạnh mẽ, chắc chắn sẽ xuất hiện thêm nhiều phương thức bảo hộ và áp dụng triệt để các biện pháp phòng vệ thương mại, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuyển biến trong nhận thức và cách thức tổ chức sản xuất, tham gia thị trường.
Để phát triển bền vững và dài hạn, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu; hướng đến cạnh tranh bằng chất lượng thay vì bằng giá, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tăng cường sử dụng các nguyên liệu được sản xuất trong nước hoặc từ các nguồn cung cấp không bị nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng; áp dụng hệ thống kế toán chuẩn quốc tế.
Bài: Huyền My
Thiết kế: An Chi - Thu Huyền